Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Đến năm 2030, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045 là trở thành đô thị lớn thông minh, sáng tạo, bản sắc, bền vững.
Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 359/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn 2045.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ... Tầm nhìn đến năm 2045 là trở thành đô thị lớn thông minh, sáng tạo, bản sắc, bền vững.

Đồ án quy hoạch chung TP. Đà Nẵng dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 1,79 triệu người, diện tích xây dựng đô thị khoảng 31.836 ha, chiếm hơn 32,31% diện tích đất trên đất liền.

Theo định hướng, Đà Nẵng được cấu trúc thành ba vùng đô thị đặc trưng gồm vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi và 1 vùng sinh thái với 10 phân khu. Trong đó, vùng ven mặt nước gồm phân khu ven sông Hàn và bờ Đông, ven vịnh Đà Nẵng và cảng Liên Chiểu.

Phát triển các trung tâm phân tán, gồm: Trung tâm đô thị gắn với Trung tâm thành phố; trung tâm dịch vụ Công nghệ cao tại khu vực Tây Bắc thành phố; trung tâm thương mại dịch vụ gắn với Ga đường sắt mới; trung tâm Đổi mới sáng tạo tại phía Nam thành phố.

Riêng huyện Hòa Vang sẽ là trung tâm hành chính huyện, cửa ngõ kết nối các huyện Tây Bắc tỉnh Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên. Là tiểu trung tâm kinh tế đa ngành, ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ hỗ trợ cho vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với định hướng trên, toàn thành phố sẽ tổ chức thành 12 phân khu.

Phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội, trung tâm hành chính thành phố tại quận Hải Châu, với quy mô khoảng 1,1ha. Ngoài ra, tiếp tục cải tạo, nâng cấp hệ thống trung tâm hành chính, cơ quan cấp quận, huyện với quy mô khoảng 27ha.

UBND huyện Hoàng Sa là đơn vị hành chính đặc thù, thực hiện hoạt động đấu tranh, bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Hình thành các trung tâm thương mại tầm cỡ quốc gia, quốc tế; hình thành tuyến phố thương mại, tài chính; thành lập khu phi thuế quan nằm trong Khu phức hợp đô thị, thương mại, phi thuế quan…

Tập trung phát triển công nghệ cao với quy mô diện tích đất khoảng 1.710 ha, gồm: Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu công nghệ cao mở rộng; khu công nghệ thông tin tập trung số 1, số 2, Khu Công viên phần mềm số 1, số 2, số 3; ngoài ra, hình thành Cụm Đổi mới sáng tạo tại phía Nam Thành phố gắn liền với Khu đô thị đại học Đà Nẵng, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Công viên phần mềm.

Chú trọng phát triển các trung tâm logistics và kho bãi với quy mô diện tích đất khoảng 229ha. Đầu tư phát triển các khu công nghiệp với quy mô diện tích đất khoảng 2.326ha. Hình thành mới các cụm công nghiệp Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc với quy mô diện tích đất khoảng 83 ha.

Hình thành khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nằm ở phía Tây Nam Thành phố. Các khu vực có địa hình phức tạp xen lẫn, trong quá trình triển khai có thể xem xét chuyển đổi sang đất rừng sản xuất.

Về Y tế, với khoảng 137ha, hình thành bệnh viện quốc tế tại phân khu Đổi mới sáng tạo để liên kết với các trường đại học y dược trong khu vực. Mỗi khu đô thị sẽ có ít nhất một phòng khám đa khoa (trung tâm y tế và trung tâm chăm sóc sức khỏe). 

Về lĩnh vực giáo dục, mở rộng các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghiên cứu đào tạo hiện có, tập trung ở phía Nam thành phố, đặc biệt là Làng Đại học Đà Nẵng để tạo thành Khu đô thị Đại học mới. Hình thành mới một số cơ sở đào tạo, dạy nghề, viện nghiên cứu chuyên ngành tại phân khu Công nghệ cao.

Đối với lĩnh vựcx văn hóa, duy trì, cải tạo, nâng cấp các thiết chế đã có như thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim,... Đầu tư mới các thiết chế văn hóa cấp thành phố gồm các công viên biển dọc vịnh Đà Nẵng và Bờ Đông, Nhà hát lớn thành phố, Trung tâm văn hóa thành phố,... để phục vụ người dân và du khách. Tiếp tục đầu tư, khai thác Khu liên hợp thể dục thể thao Hòa Xuân, Làng thể thao Tiên Sơn, Cung thể thao Tiên Sơn,...

TP sẽ giải phóng các khu dân cư thấp tầng, kiệt hẻm, thiếu điều kiện sinh hoạt tối thiểu, không đảm bảo an toàn… để thay vào đó là các cụm chung cư cao tầng, bãi đỗ xe, khuôn viên cây xanh.

Xem thêm

Điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp ở TP. Đà Nẵng

Điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp ở TP. Đà Nẵng

Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh giảm diện tích khu công nghiệp Hoà Nhơn tại xã Hoà Nhơn (huyện Hoà Vang), bổ sung khu công nghiệp hỗ trợ khu công nghệ cao Đà Nẵng vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…