Hà Nội: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 giảm nhẹ 0,25%

Theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 giảm 0,25% so với tháng trước, trong đó có 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm nhóm giao thông và nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống.
Hà Nội: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 giảm nhẹ 0,25%

Theo đó, nhóm giao thông giảm 2,18% (tác động làm CPI chung giảm 0,2%) do ảnh hưởng của giá xăng dầu trong tháng được điều chỉnh giảm vào ngày 28/4, mặc dù ngày 13/5 có điều chỉnh tăng nhưng mức tăng không đáng kể.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,82% do hầu hết giá các loại rau, trứng và quả tươi chế biến giảm, riêng giá thịt lợn, thịt gia cầm tươi sống, thịt chế biến vẫn tăng so với tháng trước.

Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,89% (tác động làm CPI chung tăng 0,19%) do giá gas trong nước tăng mạnh trở lại sau 3 tháng giảm liên tiếp.

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số CPI tăng nhẹ hoặc giữ mức tháng trước, trong đó, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,16%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; giáo dục tăng 0,01%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh, trong tháng 5 trên địa bàn Hà Nội ước tính đạt 46,9 nghìn tỷ đồng, tăng 45,9% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 30,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 4.200 tỷ đồng, giảm 16,4% (do nhiều nhà hàng, khách sạn lớn vẫn còn dè dặt chưa hoạt động trở lại); doanh thu du lịch lữ hành đạt 300 tỷ đồng, giảm 69,1% (chủ yếu do khách du lịch giảm sút mạnh); doanh thu dịch vụ khác đạt 12,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 212,8 nghìn tỷ đồng, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do doanh thu khách sạn, nhà hàng và du lịch giảm mạnh.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 143,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 67,5% tổng mức và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 16,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,6% và giảm 36% do trong thời gian dịch bệnh nhiều cơ sở kinh doanh tạm thời không hoạt động.

Trên cơ sở kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đến nay Thành phố Hà Nội đã cho phép các cơ sở kinh doanh, dịch vụ (trừ vũ trường, karaoke,...) được phép trở lại hoạt động bình thường. Tại các chợ, tình hình mua bán đã tấp nập trở lại, các siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng kinh doanh đồ dùng không thiết yếu cũng đã mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, lượng khách cũng như số lượng hàng hóa mua bán trao đổi nhìn chung chưa nhiều do nguồn hàng xuất, nhập khẩu còn hạn chế. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nên cũng có tâm lý tiết giảm chi tiêu.

Xem thêm

Nhờ Tết, CPI tháng 1/2020 tăng cao nhất trong 7 năm qua

Nhờ Tết, CPI tháng 1/2020 tăng cao nhất trong 7 năm qua

Do Tết Nguyên đán Canh Tý rơi vào tháng 1/2020 nên nhu cầu mua sắm, đi lại của người dân tăng cao. Điều này khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng đầu năm 2020 tăng mạnh, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái - vốn đã đạt mốc tăng mới.

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...