Hà Nội đặt mục tiêu có 950 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Năm 2023, Hà Nội muốn tăng thêm 20 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đưa tổng lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này đạt 950 doanh nghiệp.
Hà Nội đặt mục tiêu có 950 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Trong đó, có khoảng 300 - 350 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16 - 17% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội; Chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng trên 11-12% (tăng khoảng 1% so với năm 2022). Đặc biệt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước qua đó thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Để đạt mục tiêu này, trong năm 2023, TP Hà Nội sẽ thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực, mặt hàng sản xuất thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.

Đồng thời tổ chức hội chợ chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ năm 2023 với quy mô khoảng 200-300 gian hàng, qua đó thu hút doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ quốc tế như Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông - Trung Quốc, Thái Lan tham gia.

Bên cạnh đó trong năm 2023, TP Hà Nội ra hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất. Tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội với các nội dung: Quản trị doanh nghiệp, sản xuất; Phổ biến, cung cấp thông tin cụ thể về hệ thống tiêu chí áp dụng, đáp ứng yêu cầu khi tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.

Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm (bao gồm cả chuyển đổi số); Nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu.

Theo Nghị quyết 115/NG-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, đến 2025, lĩnh vực linh kiện phụ tùng sẽ cung ứng được 45% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, cung ứng được 65% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, ngành da giày đạt 75 - 80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.

Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao: phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao đồng thời hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này. Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử.

Có thể bạn quan tâm