Những tháng đầu năm 2018, Đội Quản lý thị trường số 5 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát môi trường (Công an quận Hai Bà Trưng) kiểm tra cơ sở kinh doanh rượu tại số 92C Lò Đúc (Hai Bà Trưng).
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này buôn bán hàng hóa hạn chế kinh doanh mà không có giấy phép, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc nên phạt hành chính chủ cơ sở 34,1 triệu đồng, buộc tiêu hủy 2.300 lít rượu.
Ông Chu Xuân Kiên, Phó giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 4/2018 của lực lượng chức năng là kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh rượu, phòng chống ngộ độc methanol.
Các đội quản lý thị trường cần nắm chắc diễn biến thị trường, kiểm tra thường xuyên các cơ sở chuyên kinh doanh rượu, dịch vụ ăn uống có kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, không rõ chất lượng… Lấy mẫu giám định chất lượng rượu để làm cơ sở xử lý nếu có vi phạm; đồng thời, tăng cường phối hợp kiểm tra, tái kiểm tra các cơ sở đã bị xử lý vi phạm...
Tập trung đấu tranh quyết liệt với việc sản xuất, kinh doanh, vận chuyển rượu thủ công, nguyên liệu pha chế từ các tỉnh biên giới, tỉnh giáp ranh đưa về tiêu thụ tại Hà Nội. Lực lượng quản lý thị trường sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các cơ sở vi phạm để giáo dục, ngăn chặn, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh đối với cộng đồng.
"Từ ngày 20/12/2017 - 20/3/2018, các lực lượng chức năng quản lý thị trường đã kiểm tra 253 vụ, xử lý 228 vụ; phạt hành chính hơn 756 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy 9.350 lít rượu thủ công và 1.165 chai rượu các loại.
Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc; hàng hóa nhập lậu, hàng hạn chế kinh doanh mà không có giấy phép; không có giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu…
Theo đánh giá của Bộ Công thương, hầu hết cơ sở sản xuất, kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu chưa chấp hành nghiêm chế độ báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, gây khó khăn trong công tác tổng hợp. Các địa phương thiếu cán bộ chuyên trách nên việc hướng dẫn, vận động cơ sở chưa thường xuyên, các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu chủ yếu nhỏ lẻ, phân bố rải rác...
Trong khi đó, đối tượng tiêu thụ chủ yếu là những người lao động nghèo, thu nhập thấp có nhu cầu về rượu rẻ tiền. Do vậy, thời gian tới, cần tuyên truyền đến người tiêu dùng tác hại của các loại rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc… Đồng thời, khuyến cáo người dân mua hàng hóa có nguồn gốc tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng uy tín.