Hà Nội mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ

Được sự chấp thuận của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm sẽ triển khai việc mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Theo Ban chỉ đạo không gian đi bộ quận Hoàn Kiếm, không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã được tổ chức hoạt động từ năm 2004 vào dịp đón bằng xếp hạng di tích Quốc gia khu phố cổ Hà Nội với mục tiêu hình thành thói quen đi bộ, nơi sinh hoạt cộng đồng và phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa nhằm phục vụ người dân; đã trở thành điểm đến của du khách.

Tuy nhiên, giữa không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận chưa có sự kết nối, bổ trợ cho nhau. Vì vậy, việc mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ Hà Nội sẽ tạo sự kết nối với không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận tạo thành một chỉnh thể hoàn chỉnh, cộng hưởng giá trị, tạo ra sự gắn kết giữa 2 không gian đi bộ sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách đến tham quan, thưởng ngoại, du lịch văn hóa và mua sắm, ẩm thực.

Phạm vi không gian đi bộ mở rộng phía Nam khu phố cổ kết nối với phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm sẽ gồm: 8 phố Hàng Dầu, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Bạc, Đinh Liệt, Gia Ngư, Đào Duy Từ (đoạn từ Chợ Gạo đến Ô Quan Chưởng), Ô Quan Chưởng (gồm phố Ô Quan Chưởng và khu vực ngã tư Hàng Chiếu - Thanh Hà) và 3 ngõ Cầu Gỗ, Trung Yên, Phất Lộc.

Thời gian hoạt động sẽ như tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội (Phố đi bộ được mở vào 3 tối cuối tuần gồm thứ Sáu, thứ Bẩy, Chủ nhật. Giờ hoạt động vào mùa hè từ 19h00’ đến 24h00’; mùa đông: từ 18h00’ đến 24h00’.

Bắt đầu từ ngày 25/12 sẽ triển khai thử nghiệm và giải quyết các vấn đề còn vướng mắc. Từ ngày 01/01/2021 sẽ triển khai chính thức mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối với khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Để tổ chức triển khai mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối với phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm, UBND quận Hoàn Kiếm đã thống nhất với các Sở, ngành Thành phố và các đơn vị xây dựng các phương án thực hiện gồm: Tuyên truyền vận động người dân; sắp xếp các hoạt động kinh doanh; tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật; phương án chốt trực và phân luồng tổ chức giao thông động; phương án bố trí các điểm giao thông tĩnh; phương án bảo đảm an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy; phương án đảm bảo vệ sinh môi trường...

Có thể bạn quan tâm