Hà Nội sẽ báo cáo Thủ tướng về quy hoạch hai bên bờ sông Hồng

Trong dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVII sẽ đưa nội dung này vào để báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, trong đó có quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.

Chiều 5/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội và các đại biểu Quốc hội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 5 đã tiếp xúc với cử tri huyện Đan Phượng trước kỳ hợp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.

Trả lời kiến nghị của cử tri Đỗ Văn Đang về đầu tư công nghệ cao vào vùng bãi ven sông Hồng, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết quy hoạch chung phát triển Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011. Tuy nhiên, cho đến nay Thành phố chưa hoàn thành quy hoạch phân khu sông Hồng, vướng mắc chính là phân khu hai bên bờ sông Hồng sẽ là gắn như thế nào với phương án thoát lũ. Vì vậy việc sử dụng đất ven bãi sông Hồng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, quỹ đất của huyện Đan Phượng có khoảng 1.200 ha bãi bồi, tuy nhiên quy định hiện nay chưa cho đấu thầu lâu dài bãi bồi nên việc sử dụng đất bãi bồi này còn phức tạp.

Vì vậy, trong dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVII, Thành phố đã nhất trí đưa nội dung này vào để báo cáo Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, trong đó đặt mục tiêu phủ kín các quy hoạch phân khu, đặc biệt là quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.

Vướng mắc chính quy hoạch phân khu sông Hồng là gắn với phương án thoát lũ.

Đối với ý kiến cử tri liên quan đề nghị xã loại 2 cần hai Phó Chủ tịch xã, Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Ban cán sự Đảng UBND Thành phố xem xét trên cơ sở phù hợp quy định của Trung ương và Thành phố. Về ý kiến của cử tri liên quan đến Luật Nhà giáo, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội tiếp thu ý kiến cử tri để gửi Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội để xem xét.

Liên quan ý kiến cử tri về việc tạm dừng tuyển sinh 2 chức danh tài chính và y tế trong cơ sở giáo dục, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, hiện nay y tế học đường và kế toán có khoảng 80 nghìn người, con số này trên tổng số biên chế ngành giáo dục là rất lớn, vì vậy biên chế trong ngành giáo dục cho hai vị trí này là bài toán đặt ra và cần thực hiện. Nếu không sắp xếp quyết liệt thì khó tách biên chế của đội ngũ giáo viên trực tiếp và các chức danh khác.

Theo Bí thư Hà Nội, qua khảo sát tại một số địa phương khác, việc sắp xếp chức danh này là để dành cho vị trí giáo viên trực tiếp giảng dạy. Vị trí này sẽ tùy từng địa phương sắp xếp cho phù hợp, như có địa phương bố trí kế toán về phòng giáo dục, hoặc một số trường gần trạm y tế thì không cần bố trí chức danh y tế học đường.

Có thể bạn quan tâm