Hà Nội sẽ mở thêm 7 tuyến buýt nhanh BRT

Ngoài tuyến buýt nhanh BRT số 01 Bến xe Kim Mã – Bến xe Yên Nghĩa đã đưa vào vận hành, thành phố sẽ có 7 tuyến xe buýt nhanh BRT nữa để giải quyết giao thông công cộng của thủ đô.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, theo quy hoạch giao thông đến năm 2030 đã được phê duyệt, ngoài tuyến buýt nhanh BRT số 01 Bến xe Kim Mã – Bến xe Yên Nghĩa đã đưa vào vận hành, thành phố sẽ có 7 tuyến xe buýt nhanh BRT nữa để giải quyết giao thông công cộng của thủ đô.

"Theo quy hoạch, 7 tuyến buýt nhanh BRT nữa, gồm: tuyến 02 Ngọc Hồi - Phú Xuyên (đi theo Quốc lộ 1 cũ), chiều dài khoảng 27 km; 03 Sơn Đồng - Ba Vì, chiều dài khoảng 20 km; 04 Phù Đổng - Bát Tràng - Hưng Yên, chiều dài khoảng 15 km; 05 Gia Lâm - Mê Linh (Vành đai 3), chiều dài khoảng 30 km; 06 Mê Linh - Sơn Đồng - Yên Nghĩa - Ngọc Hồi - Quốc Lộ 5 - Lạc Đạo (Vành đai 4), chiều dài khoảng 53 km; 07 Ba La - Ứng Hòa chiều dài khoảng 29 km; 08 Ứng Hòa - Phú Xuyên, chiều dài khoảng 17 km.

Ngoài ra, một số tuyến đường sắt đô thị khi chưa xây dựng có thể sử dụng hình thức xe buýt nhanh như: Tuyến số 4, số 8 và tuyến Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai.

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, Sở sẽ nghiên cứu thiết kế từng tuyến buýt nhanh, điều kiện về cơ sở hạ tầng và phải căn cứ vào khả năng tài chính được thành phố phê duyệt từng giai đoạn, mới quyết định triển khai tuyến BRT nào trước.

Qua 2 tuần vận hành tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã – Yên Nghĩa, với việc hành khách tăng mạnh từng ngày và tỷ lệ buýt xuất bến đúng giờ đạt trên 99% cho thấy sự đồng tình của đông đảo người dân.

Với việc kết nối với 26 tuyến buýt thường, hy vọng sẽ đáp ứng được khả năng kết nối thuận tiện các điểm đến cho hành khách, qua đó thu hút hành khách sử dụng, thay thế dần phương tiện cá nhân.

Ông Viện cho biết them, Sở cũng sẽ tiếp thu ý kiến người dân về những bất cập tồn tại và khẩn trương rà soát, khắc phục.

Hiện nay, Sở đang phối hợp với các lực lượng chuyên ngành để điều chỉnh nút giao, điểm quay đầu cho phù hợp với thực tế phục vụ của tuyến buýt nhành 01, nhằm hạn chế cao nhất xung đột giao thông.

Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc vận hành tuyến buýt nhanh 01 (Kim Mã – Yên Nghĩa) hiện nay, thành phố đang xem xét để quyết định đầu tư tuyến buýt nhanh này.

Trước thông tin Hà Nội sắp mở thêm tuyến buýt nhanh, nhiều người dân đã bày tỏ quan điểm đồng tình.

Chị Chu Lan Phương (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, từ khi tuyến buýt nhanh Kim Mã – Yên Nghĩa đi vào hoạt động, chị đã thường xuyên sử dụng.

“Xe buýt nhanh lịch sự, sạch sẽ, di chuyển nhanh hơn. Trước đây, buýt thường vào giờ cao điểm tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa thường mất 1 tiếng, giờ chỉ mất khoảng 40 phút, tiết kiệm thời gian và đỡ mệt mỏi. Với ưu điểm đó, Hà Nội nên nhân rộng mới các tuyến buýt nhanh”, chị Phương nói.

Có thể bạn quan tâm