Khi đọc xong cuốn sách HÀ NỘI VÀ TÔI của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, tôi nhận ra: tôi vừa đi một chuyến đi dài dọc đời sống Hà Nội trong gần 100 năm nay. Hay nói chính xác hơn là tôi đã được sống với Hà Nội suốt thời gian dài ấy. HÀ NỘI VÀ TÔI là cuốn sách khác biệt với tất cả những cuốn sách viết về Hà Nội mà tôi từng biết. Khác biệt bởi ba điều: thứ nhất là cấu trúc của cuốn sách, thứ hai là cách chọn lựa và tạo dựng các nhân vật của cuốn sách, và thứ ba là thông điệp và tư tưởng của cuốn sách.
Cấu trúc của cuốn sách được chia làm ba phần, từ "Hoài niệm Thăng Long", đến "Muốn quên một thuở" và cuối cùng là "Trăn trở hôm nay". Cấu trúc ấy đã dựng lên những “cột số” trên chặng đường dài của đời sống Hà Nội. Và mỗi lần đi qua một “cột số”, thú thực rằng nỗi sợ hãi về những vẻ đẹp của Hà Nội, về những giá trị sống đích thực của con người đang bị biến mất mỗi lúc một tăng lên trong tôi. Ba phần của cuốn sách có thể làm thành ba cuốn sách riêng biệt. Nhưng nếu làm như vậy, người đọc sẽ không có được cái nhìn “xuyên thời gian” về Hà Nội, không có được những trải nghiệm giống như một nhân chứng của những biến động trong đời sống của mảnh đất này trải qua những thăng trầm, những biến cố của nó, và như vậy cảm giác về những điều đang xảy ra với Hà Nội giống một lời cảnh báo sẽ mất đi rất nhiều sức mạnh của nó. Và một điều đặc biệt là, nhà văn Vũ Ngọc Tiến viết về Hà Nội vừa với một thứ văn chương thanh tao, tinh tế, thâm trầm nhưng lại vừa với một thứ văn chương đau đớn và trung thực như một cuốn sách trắng.
"Hoài niệm Thăng Long" đã dựng lên đời sống của người Hà Nội chỉ mới ngót 100 năm trở lại đây. Đấy là một đời sống của những vẻ đẹp hào hoa, tinh tế, sâu sắc, tự trọng và kiêu hãnh. Nhà văn đã dựng lên cuộc đời của những nhân vật bình dị nhưng chứa đựng trong những cuộc đời đó là vẻ đẹp văn hóa và đạo làm người.
Có một điều vừa làm tôi thấy đau đớn vừa làm tôi phải suy ngẫm rất nhiều. Khi những người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung sống dưới thời Pháp thuộc, một cuộc sống nô lệ, thì nhân cách của con người Việt Nam lại không chịu làm nô lệ. Thế mà khi làm người của một đất nước độc lập thì nhân cách ấy lại bị làm nô lệ cho đồng tiền, cho chủ nghĩa thực dụng và làm nô lệ cho những kẻ mạnh. Câu chuyện về doanh nhân Mỹ Bảo là một ví dụ đầy tính tư tưởng của nhà văn. Nhà văn Vũ Ngọc Tiến viết: “Có lần người Pháp mời ông (doanh nhân Mỹ Bảo) làm Đốc lý văn phòng công thương ở phủ Toàn quyền, ông từ tốn đáp: “Người họ Nguyễn Quý ở đất Thăng Long chỉ buôn bán với người Pháp chứ không làm quan cho nước Pháp.” Làm quan cho nước Pháp hay làm quan cho bất cứ thế lực ngoại bang nào nghĩa là quỳ gối làm nô lệ, nghĩa là gián tiếp phản bội Tổ quốc mình. Câu chuyện về doanh nhân Mỹ Bảo là câu chuyện của một Hà Nội xưa, của một thời đại khác nhưng thông điệp đầy tính tư tưởng của câu chuyện mà nhà văn đã gửi cho người đọc đang là một vấn đề hệ trọng của chúng ta hiện nay. Đất nước chúng ta đang thực sự đối mặt với một câu hỏi lớn: làm thế nào mà Việt Nam vẫn hợp tác với các nước lớn trên thế giới mà không trở thành nô lệ của họ trong mọi nghĩa?
Chỉ thông qua không nhiều các nhân vật trong "Hoài niệm Thăng Long", nhưng nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã dựng lên hồn cốt của con người đất Thăng Long. Các nhân vật được chọn lựa như những hình mẫu tiêu biểu cho người Hà Nội một thuở. Cho dù thời cuộc biến đổi và cuộc sống của những nhân vật trong cuốn sách gặp quá nhiều thách thức và khó khăn, nhưng những hào hoa, thanh lịch và nhân cách của người Hà Nội không thay đổi. Đấy chính là điều đã làm nên mảnh đất kinh kỳ này. Bởi thế mà giờ đây khi đọc những trang viết của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, lòng tôi chua xót trước những đổi thay của lòng người, những vẻ đẹp của mảnh đất kinh kỳ này đang ngày một rời xa và thay vào đó là một lối sống ô trọc, thực dụng và xa lạ. Một ví dụ vô cùng ấn tượng chính là bà Mẹ nhà văn. Cụ từ một người kinh doanh thành đạt “mẹ góp tiền, vàng vào ngân khố quốc gia năm Ất Dậu và cả vạn tiền Đông Dương mẹ bỏ ra cho bố mua công trái kháng chiến để Chính phủ đánh Tây” nhưng do thời thế thay đổi mà trở nên nghèo khó. Nhưng phẩm cách của người Mẹ ấy vẫn chẳng hề thay đổi. Mẹ không đòi lại những gì đã dâng hiến, mẹ không hận thù những ai đã đẩy cuộc đời của Mẹ và gia đình mình sang một phía khác. Mẹ không phải là một cá nhân. Mẹ là đại diện cho những người dân thuở ấy. Đó là lòng tự trọng, sự nhẫn nại, tình yêu thương, lòng vị tha… Hoài niệm của nhà văn không chỉ để nhớ về những người của Hà Nội xưa đã khuất. Mà sâu thẳm hơn là nỗi đau đớn và tiếc nuối của nhà văn về những vẻ đẹp thực sự của một Hà Nội đã và đang mờ dần trong đời sống hôm nay.
Nhà văn Vũ Ngọc Tiến làm sống lại phong vị của đời sống và văn hóa Hà Nội thuở trước. Nói về người Hà Nội, có một bài mang cảm giác như lạc ra khỏi hệ thống những chân dung người Hà Nội nhưng lại đậm chất Hà Nội. Đó là bài nói về cách chơi hoa. Chỉ cách bàn về lan của nhà văn thôi cũng thấy vẻ đẹp tâm hồn và phong cách người Hà Nội hiện ra theo vẻ đẹp của những bông hoa lan. Đây là những áng văn vô cùng tinh tế, huyền ảo và sâu thẳm. Đó chính là văn chương. Văn chương không phải là một luận đề đầy chữ nghĩa nhưng vô cảm và không mang chút nào hơi thở của đời sống mà nhà văn sống trong đó. Phần viết về một người tìm hoa trong rác không phải là một câu chuyện thông thường nữa, đó là một biểu tượng, một cách sống, một chân lý. Và biểu tượng ấy, cách sống ấy và chân lý ấy không phải đến từ một vĩ nhân hay một nhân vật đặc biệt nào đó mà đến từ một người “nhặt rác”. Hãy nghe ông ấy nói: “Ông không bán, chỉ đem cho bạn bè thôi. Năm nào cũng vậy, vào lúc xuân về, trong nhà ông có cả một vườn “cây hoa rác”. Vất vả tìm hoa trong rác, rồi lại mất công làm nó sống lại mà đem bán ngoài chợ thì uổng công lắm, cháu ơi! Cứu được cái đẹp khỏi bị ruồng rẫy thì nhọc công và tự làm khổ mình, nhưng làm được thì ông sung sướng lắm cháu ạ! Khà… khà…” Khi đọc câu chuyện về người bới rác tìm hoa này, quả thực tôi vừa bị cuốn hút vừa mang một nỗi sợ không biết câu chuyện sẽ đi về đâu. Mang một người “nhặt rác’’ với một công việc “rác” để nói về Hà Nội hào hoa và tinh tế quả thực như đang đi sát mép vực. Nhưng nhà văn Vũ Ngọc Tiến đang dắt tôi đi qua nỗi sợ hãi ấy bằng một cách viết tài tình, một cảm xúc rực nóng và một chân lý sâu sắc nằm dưới một câu chuyện bình dị đến không tưởng.
"Muốn quên một thuở" là một Hà Nội khác hiện lên sống động và ám ảnh vô cùng dưới cách nhìn của nhà văn Vũ Ngọc Tiến. Yêu Hà Nội bao nhiêu thì ngòi bút của nhà văn trung thực, đau đớn và thương cảm bấy nhiêu. Nhà văn Vũ Ngọc Tiến dựng lên một Hà Nội trong những vùng sáng của những vẻ đẹp của văn hóa và nhân cách của con người nơi mảnh đất ngàn năm văn vật này, ông cũng dựng lên một Hà Nội của những mảng tối trong đời sống. Trong một Hà Nội hào hoa, thanh lịch, tinh tế, sâu sắc có một Hà Nội tăm tối, mệt mỏi, mưu mẹo, vô định như bà Tuyết Phe, Bôn Tây, Tâm Sứt, họa sĩ VP… Số phận bà Tuyết Phe bi thương và chua xót. Nhà văn dựng lên những số phận như vậy với đầy cảm thông và thương xót. Ông đau đớn vì có những kiếp người, có những câu chuyện như thế trong đời sống. Nhưng tôi không nhìn thấy sự khinh bỉ của ông. Đấy chính là lương tâm của nhà văn và đấy chính là phẩm chất của văn chương và nghệ thuật. Ông đi qua những số phận ấy với nỗi đau cuộc đời, với những dằn vặt của lương tâm. Ông hiểu cuộc sống là như vậy nhưng ông muốn những câu chuyện buồn ấy chỉ là những chuyện của quá khứ. Và ông dựng lên những số phận đó như một thông điệp, như một lời cảnh báo.
Nhưng đến phần ba cuốn sách - "Trăn trở hôm nay" - thì những dày vò, suy tư, sợ hãi và nhiều câu hỏi cho một xã hội đang rối loạn và lạc đường giữa đồng tiền và nhân phẩm đã hiện ra như những hồi chuông cảnh báo cấp bách. Hà Nội hiện đại hơn, giàu có hơn nhưng trong sự hiện đại và giàu có đó, văn hóa đang chết và nhân cách con người đang sụp đổ. Đến phần ba của cuốn sách thì những gì đã làm nên mảnh đất kinh kỳ như ở phần một cuốn sách - Hoài niệm Thăng Long - đã và đang dần dần biến mất cả vẻ đẹp bên ngoài là thiên nhiên, kiến trúc của Hà Nội và cả phần bên trong là văn hóa và nhân cách của con người Hà Nội.
Tình yêu Hà Nội của nhà văn Vũ Ngọc Tiến làm cho mỗi người đọc có thể thức tỉnh để yêu cái nơi mình sinh ra và lớn lên cho dù đó là ở đâu, miền núi, nông thôn hay thành thị, và cho dù nó ở trong hoàn cảnh nào: đói rét, bất công, khổ đau, thì vẫn phải yêu lấy nơi chốn ấy. Nếu không con người sẽ chẳng còn gì mà nương tựa. Nhưng tình yêu nơi chốn của mỗi con người phải cùng với sự nhận ra những gì đang có nguy cơ hủy hoại nó và dũng cảm đặt ra những câu hỏi chất vấn chính cá nhân mình và chất vấn cả thời đại của mình.
HÀ NỘI VÀ TÔI thực sự là một cuốn sách quý và quan trọng. Đó là 24 câu chuyện trung thực về những con người đã và đang sống trong chính mảnh đất này, nhưng bằng một cái nhìn khác biệt cùng với những phần sáng tạo nhuần nhuyễn, tác giả đã làm cho người đọc thấy hiện lên một Hà Nội trong chiều sâu của cảm xúc và tư tưởng. Cuốn sách sẽ làm thức tỉnh những con người đang rời xa những vẻ đẹp đã làm nên Hà Nội nói riêng và làm nên xứ sở này nói chung. Con người đang nối nhau như một sự mù lòa lao vào cái vực sâu của chủ nghĩa thực dụng. Khi đọc HÀ NỘI VÀ TÔI của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, tôi nhận ra một ý nghĩa khác về chủ nghĩa thực dụng trong đời sống đương đại. Đó chính là chủ nghĩa thực dụng trong cả những trang viết, nơi mà như bản chất của văn chương phải là trung thực, là cảm hứng sống, là lòng quả cảm và tư tưởng của người viết. Đó chính là sự băng hoại của nhân cách của không ít trí thức, nhân cách của người cầm bút. Chính vì điều đó mà tôi càng trân trọng những trang viết của nhà văn Vũ Ngọc Tiến không chỉ ở trong cuốn sách này. Cuốn sách này chỉ là sự tiếp tục những gì ông đã lên tiếng về sự suy tàn những vẻ đẹp đời sống và kêu gọi phục sinh những vẻ đẹp ấy. Và lúc này, tôi như nghe thấy một lời vang lên khi gấp bản thảo cuốn sách lại: Chúng ta thực sự phải làm lại, phải “sắp xếp’’ lại ngôi nhà văn hóa và giáo dục của chúng ta.
Nhà thơ - họa sĩ Nguyễn Quang Thiều