Hà Nội yêu cầu không để xảy ra sốt giá, bong bóng bất động sản

Trong văn bản mới ban hành, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng theo dõi chặt chẽ, kịp thời, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường bất động sản và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn, không để xảy ra tình trạng sốt giá, "bong bóng" bất động sản trên địa bàn.

Không để xảy ra tình trạng sốt giá, bong bóng bất động sản

UBND TP Hà Nội vừa có Văn bản 4189/UBND-SXD (ngày 13/12/2022) yêu cầu các sở, ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo đó, Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng trên cơ sở Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định 3627/QĐ-UBND ngày 3/10/2022, khẩn trương rà soát, xây dựng Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hằng năm theo quy định của Luật Nhà ở, trong đó xác định rõ danh mục các dự án nhà ở để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở trên địa bàn thành phố. 

Đồng thời, thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trên địa bàn: Khẩn trương lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án đầu tư cải tạo chung cư cũ trên địa bàn; rà soát đối tượng, điều kiện, lập và công bố danh mục các chủ đầu tư được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại theo quy định của Nghị định của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước.

Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố trong việc rà soát, tổng hợp nhu cầu của khách hàng là cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở Xây dựng theo dõi chặt chẽ, kịp thời, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường bất động sản và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn, không để xảy ra tình trạng sốt giá, bong bóng bất động sản trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, thanh tra đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về đất đai, xây dựng,..

bong bóng bất động sản
Hà Nội yêu cầu không để xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản

Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai để các chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, dự án nhà ở mới nhằm tăng nguồn cung cho thị trường; đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án nhà ở; có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng..

Sở Kế hoạch và Đầu tư công khai danh mục dự án, quỹ đất, quy trình thủ tục thực hiện dự án đầu tư phát triển nhà ở, bất động sản trên địa bàn để kêu gọi đầu tư; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án nhà ở, bất động sản; theo dõi và đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản,...

Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1164 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.

Theo đó, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở ổn định, lành mạnh, bền vững, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên góp phần phục hồi phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan thực hiện hàng loạt các giải pháp.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát lập danh mục các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, bất động sản trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với từng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai để chủ động, quyết liệt xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cụ thể, rõ ràng các vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ trong trường hợp vượt thẩm quyền.

Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án bất động sản, dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường; báo cáo các cấp có thẩm quyền giải quyết đối với các trường hợp vượt thẩm quyền các cấp, các địa phương.

Có thể bạn quan tâm