Hà Tĩnh: Một người dân hơn 15 năm “cõng” đơn đi đòi đất

Đã hơn 15 năm nay, ông Hồ Văn Đài (tỉnh Hà Tĩnh) “cõng” đơn đi cầu cứu cơ quan chức năng vì chính quyền địa phương thu hồi đất nhưng không bồi thường và “tự ý” sửa diện tích đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Đài.

“Tự ý” sửa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo phản ánh, năm 1992, ông Hồ Văn Đài, xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh có đơn xin khai hoang, phục hóa khu đất có diện tích trên 1ha tại thôn Tân Sơn, xã Kỳ Thọ để sản xuất và được UBND xã Kỳ Thọ chấp thuận. Sau đó, ông Đài đã cải tạo khu đất, canh tác và xây dựng nhà ở.

Ngày 13/3/1995, UBND huyện Kỳ Anh có Quyết định số 01/QĐ-UB giao cho ông Đài 2,8ha đất lâm nghiệp thuộc lô số 1, khoảnh I, khu 348 rừng (giáp với phần đất khai hoang trên) để trồng rừng, gia đình ông Đài đã sử dụng để trồng keo, bạch đàn từ đó đến nay, không tranh chấp với ai.

Cũng trong năm 1995, gia đình ông Đài được UBND huyện Kỳ Anh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số D0355012 với tổng diện tích 8.173m², trong đó bao gồm một phần khu đất khai hoang có diện tích 1008m² (200 m² đất ở, 808m² đất vườn) thuộc thửa 702, tờ bản đồ số 01 xã Kỳ Thọ và 7.165m² đất sản xuất nông nghiệp.

Hơn 480m2 đất trồng cây lâu năm của ông Đài bị UBND xã Kỳ Thọ thu hồi, nhưng không bồi thường
Hơn 480m2 đất trồng cây lâu năm của ông Đài bị UBND xã Kỳ Thọ thu hồi, nhưng không bồi thường

Năm 2004, ông Đài quyết định bán một phần diện tích đất vườn cho người khác. Sau khi nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm thủ tục chuyển nhượng, lúc nhận lại ông Đài phát hiện diện tích trong sổ bị sửa chữa từ 8.173m² xuống còn 7.773 m², trong đó diện tích đất vườn giảm từ 808m² xuống còn 408m².

Lý giải về việc này, theo UBND xã Kỳ Thọ, sau khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân dọc tuyến Quốc lộ 1A (trong đó có hộ ông Đài), xã phát hiện diện tích ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phần đất thuộc hành lang giao thông (theo Nghị định số 203-HĐBT), nên đã có Báo cáo gửi Phòng Địa chính huyện Kỳ Anh (nay là Phòng Tài nguyên và Môi trường) để xử lý.

Do đó, tháng 11/1995, Phòng Địa chính huyện Kỳ Anh đã sửa chữa phần diện tích trên sổ địa chính và GCNQSDĐ của các hộ dân, trong đó hộ ông Đài đã bị sửa từ 1.008m² xuống còn 608m² đất (giảm 400m² đất so với diện tích ban đầu).

Do không được thông báo, gia đình ông Đài không chấp nhận, yêu cầu UBND xã Kỳ Thọ, UBND huyện Kỳ Anh trả lời thỏa đáng công dân về vấn đề này nhưng không được đáp ứng.

UBND xã Kỳ Thọ có dấu hiệu “lạm quyền”?

Năm 2008, khi gia đình ông Đài muốn làm các thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2,8ha đất rừng nói trên thì bất ngờ phát hiện phần đất này và hơn 480m² đất trồng cây lâu năm của gia đình đang sử dụng đã được UBND xã Kỳ Thọ quy hoạch thành khu dân cư.

Ngày 24/7/2009, UBND xã Kỳ Thọ có Tờ trình số 18/TTr-UB đề nghị UBND huyện Kỳ Anh thu hồi 2,8ha đất lâm nghiệp đã giao cho ông Đài trước đó để quy hoạch khu dân cư. Đến ngày 29/7/2009, Hội đồng nhân dân (HĐND) xã Kỳ Thọ đã ra Nghị quyết số 30/NQ-HĐND tán thành Tờ trình số 18/TTr-UB của UBND xã Kỳ Thọ về việc thu hồi 2,8ha đất lâm nghiệp của gia đình ông Đài.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị chính quyền địa phương "tự ý" sửa chữa giảm diện tích từ 8.173m² xuống còn 7.773m²
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị chính quyền địa phương "tự ý" sửa chữa giảm diện tích từ 8.173m² xuống còn 7.773m²

Để gấp rút cho việc này, ngày 5 và 14/8/2009, UBND xã Kỳ Thọ đã liên tiếp ra 2 thông báo (Thông báo số 21/TB-UBND và Thông báo số 26/TB-UBND) yêu cầu ông Đài phải tự chặt cây trồng trên đất để quy hoạch khu dân cư.

Bất ngờ hơn, ngày 14/8/2009, UBND xã Kỳ Thọ ban hành tiếp Quyết định số 37/QĐ-UBND thu hồi toàn bộ diện tích đất cho mượn khai hoang của ông Đài. Việc thu hồi này là trái thẩm quyền, do đó, ngày 30/12/2009, UBND xã Kỳ Thọ đã hủy bỏ Quyết định số 37 nêu trên.

Dù vậy, UBND xã Kỳ Thọ vẫn tổ chức thu hồi 480m² đất trồng cây lâu năm của ông Đài để giao đất dân cư theo quy hoạch chi tiết đã được UBND huyện Kỳ Anh phê duyệt, nhưng không bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản trên đất đối với ông Đài.

Vấn đề này, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường việc UBND xã Kỳ Thọ ban hành quyết định thu hồi đất của hộ ông Đài đang sử dụng để thực hiện quy hoạch giao đất dân cư là trái thẩm quyền theo quy định tại Điều 44 Luật đất đai 2003. Mặc dù, UBND xã Kỳ Thọ đã ban hành quyết định thu hồi quyết định thu hồi đất nêu trên, nhưng vẫn tổ chức thu hồi 480m² đất của gia đình ông Đài là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Chưa dừng lại ở đó, UBND xã Kỳ Thọ còn tiếp tục bán 5 lô đất mặt tiền đường dọc theo Quốc lộ 1A cho 5 hộ dân khác, với tổng diện tích khoảng 1.000m². Nhưng điều đáng nói là 5 lô đất này có vị trí tương đồng với phần diện tích mà UBND huyện Kỳ Anh đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Đài vào năm 1995.

Theo phản ánh của ông Đài, năm 2014, có dịp vào Đắk Lắk dự đám cưới của người thân, ông Đài vô tình gặp được 1 trong 5 người mua đất do UBND xã Kỳ Thọ bán, người này khoe là đã về xã Kỳ Thọ chơi và mua được 1 lô đất tại đây. Vị trí lô đất theo người này mô tả hoàn toàn trùng khớp với thửa đất mà gia đình ông Đài đang sử dụng (thửa 702 tờ bản đồ số 01) và đã được UBND huyện Kỳ Anh cấp sổ đỏ từ năm 1995.

Liên quan đến vấn đề này, tại báo cáo số 26/BC-UBND ngày 26/9/2019, UBND xã Kỳ Thọ cho rằng, nguồn gốc diện tích đất tại thửa 702, tờ bản đồ số 01, bản đồ 299, trước thời điểm quy hoạch dân cư là đất do xã quản lý, không phải giải phóng mặt bằng. Đồng thời, thừa nhận đã bán 5 lô đất cho 5 hộ dân từ năm 2003 đến 2007 với tổng số tiền thu được từ việc bán đất là 45.400.000 đồng.

Cũng theo UBND xã Kỳ Thọ, thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc cấp Giấy theo Nghị định 64 của Chính phủ. Tại thời điểm đó do hợp tác xã xây dựng hồ sơ chuyển UBND xã ký, đối với trường hợp ông Đài ở phía Tây Quốc lộ 1A do không có bản đồ 299/TTg, vì vậy hợp tác xã ghi nhầm xuống thửa 702.

Tuy nhiên, tại biên bản làm việc vào ngày 14/9/2020, gồm: Đại diện UBND huyện Kỳ Anh, đại diện UBND xã Kỳ Thọ và cán bộ thôn Tân Sơn, một lần nữa ông Đài khẳng định thửa đất 702, tờ bản đồ số 01, được gia đình khai hoang và sử dụng ổn định từ năm 1992 đến nay.

Chính vì vậy mà hơn 15 năm qua, ông Đài miệt mài “cõng” đơn gõ cửa cơ quan chức năng cầu cứu những vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

Xem thêm

Tại sao khó thu hồi dự án ‘ôm’ đất bỏ hoang?

Tại sao khó thu hồi dự án ‘ôm’ đất bỏ hoang?

Thu hồi đất của các dự án treo là câu chuyện phức tạp từ xưa đến nay, bởi còn những vấn đề khó khăn về mặt khung chính sách pháp luật, quy hoạch và đặc biệt là sự đồng thuận của các chủ đầu tư.

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…