Tổng cục Hải quan vừa có công văn gửi Cục Hải quan các tỉnh thành về việc dừng thủ tục hải quan với xăng dầu, nguyên liệu của Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) và Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil.
Theo đó, 2 doanh nghiệp trên đã bị Bộ Công Thương thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Đến thời điểm hiện tại, 2 doanh nghiệp không đủ điều kiện thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu để pha chế xăng dầu.
Trước đó, tại thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, Thanh tra Chính phủ có đề cập tới hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, việc sử dụng quỹ bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá tại Hải Hà Petro.
Cụ thể, Hải Hà Petro đã trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với khối lượng xăng dầu vượt so với khối lượng trên sổ sách 110.242 m3. Từ đó dẫn đến trích lập quỹ bình ổn giá sai, vượt khối lượng với số tiền hơn 4,7 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 11/2023, số dư quỹ bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp đầu mối này là 612 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng đã bị cơ quan nhà nước phạt hành chính 4 lần, nhưng vẫn chưa khắc phục hậu quả. Đơn vị này cũng khai thiếu, nợ thuế bảo vệ môi trường trên 1.781 tỷ đồng.
Hồi tháng 9/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Trần Tuyết Mai (62 tuổi) vì liên quan đến vấn đề nợ thuế. Bà Trần Tuyết Mai là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.
Hải Hà Petro là một công ty xăng dầu lớn khu vực miền Bắc, được cấp phép năm 2012. Theo giới thiệu, doanh nghiệp này hiện có 22 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và 200 khách hàng là thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý mua bán tiêu thụ trực tiếp trên cả nước.
Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil vi phạm trích lập quỹ bình ổn giá thiếu khoảng 3 tỷ đồng. Vụ việc tại công ty Xuyên Việt Oil không chỉ đơn thuần dừng lại ở câu chuyện thuế mà lãnh đạo công ty cũng như một số vị quan chức đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Theo Cục Thuế TP.HCM, tính đến hết ngày 30/6/2023, Xuyên Việt Oil nợ 1.531 tỷ đồng tiền thuế, tức chiếm đến gần 19% tổng số nợ của địa phương này. Số tiền quỹ bình ổn xăng dầu hình thành tại doanh nghiệp này cũng là con số rất lớn, lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Đáng chú ý, tháng 1/2020, Xuyên Việt Oil chỉ nợ ngân sách nhà nước hơn 89,6 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường. Nhưng chỉ 3 năm sau, số nợ đã tăng lên hàng nghìn tỷ. Xuyên Việt Oil lý giải về tình trạng nợ thuế của mình là do thực tế đứt gãy nguồn cung xăng dầu tại TP.HCM năm 2022 và sự thay đổi đột ngột chính sách tín dụng của ngân hàng khiến công ty không cân đối kịp nguồn tài chính để nộp các khoản thuế tới hạn theo quy định.
Không chỉ nợ thuế, vào cuối tháng 8/2023, Xuyên Việt Oil có dư nợ gần 5.500 tỷ tại 4 ngân hàng trong nước, tất cả đều thuộc nhóm nợ xấu. Công ty này là 1 trong số gần 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn trên cả nước được quyền xuất nhập khẩu xăng dầu, sở hữu 13 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu và 49 đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối.
Tháng 9/2023, Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.