Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. HCM (MAUR) cho biết Cơ Quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã đồng ý hỗ trợ nghiên cứu khả thi dự án tuyến metro số 5 giai đoạn 2 (ngã tư Bảy Hiền - bến xe Cần Giuộc mới) với nội dung Xây dựng chiến lược thực hiện mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).
Những hoạt động chính sẽ bao gồm xây dựng chiến lược thực hiện mô hình TOD ở TP. HCM; Chương trình xây dựng nguồn lực bao gồm hội thảo trong nước và tập huấn ở Hàn Quốc.
Theo MAUR, nghiên cứu này không chỉ giúp TP. HCM xây dựng các định hướng phát triển đô thị nén xung quanh các nhà ga mà còn để đưa ra giải pháp phát triển quỹ đất dọc theo tuyến metro này.
Thời gian tới, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. HCM sẽ trao đổi trực tiếp với KOICA các bước thực hiện thủ tục tiếp nhận dự án hỗ trợ sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại từ phía KOICA theo quy định Việt Nam, cũng như làm rõ nội dung liên quan đến khoản hỗ trợ kỹ thuật cho công tác nghiên cứu TOD, làm cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, chấp thuận.
Trước đó, tháng 4, MAUR đã có văn bản báo cáo UBND TP. HCM về tuyển chọn tư vấn đấu thầu hỗ trợ lựa chọn tư vấn, báo cáo tiền khả thi tuyến metro số 5 - giai đoạn 2 (ngã tư Bảy Hiền - bến xe Cần Giuộc mới) theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Việc đầu tư PPP đối với tuyến này được xem là chưa có tiền lệ trong lĩnh vực đường sắt đô thị Việt Nam.
Tuyến metro số 5 là một phần của tuyến bán vành khuyên, chạy dọc theo hành lang đường Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng, Điện Biên Phủ, kết nối nhiều tuyến đường sắt đô thị của TP trong tương lai như metro số 1 tại cầu Sài Gòn, metro số 3b tại ngã tư Hàng Xanh, metro số 4 tại ngã tư Phú Nhuận, metro số 4b tại Công viên Hoàng Văn Thụ và metro số 2 tại ngã tư Bảy Hiền.
Tuyến metro số 5 TP. HCM có tổng chiều dài 23,39 km, hướng tuyến: Bến xe Cần Giuộc mới – Quốc lộ 50 – Tùng Thiện Vương – Phù Đổng Thiên Vương – Lý Thường Kiệt – Hoàng Văn Thụ – Phan Đăng Lưu – Bạch Đằng – Điện Biên Phủ – cầu Sài Gòn. Dự án được chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (Ngã tư Bảy Hiền – Cầu Sài Gòn) có tổng chiều dài khoảng 8,89 km (7,46 km ngầm và 1,43 km trên cao). Tổng mức đầu tư ước tính hơn 1,5 tỷ Euro, nguồn vốn do Chính phủ Tây Ban Nha (ODA), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) tài trợ.
Trong khi đó, giai đoạn 2 (Ngã tư Bảy Hiền – Bến xe Cần Giuộc mới) và depot Đa Phước, tổng chiều dài khoảng 14,5 km (8,9 km đi ngầm và 5,6 km đi trên cao).