CEO Apple Tim Cook
Theo CNN, khi mực còn chưa khô trên sắc lệnh về nhập cảnh mà Tổng thống Donald Trump vừa ký, ngành công nghiệp công nghệ Mỹ đã có phản ứng dữ dội. Giới CEO của lĩnh vực thành công nhờ nhiều doanh nhân, lãnh đạo sinh ra ở nước ngoài đang phản đối lệnh cấm khoảng 134 triệu người nhập cảnh vào Mỹ.
Hãng Google vừa gửi một bản ghi nhớ đến nhân viên, kêu gọi những người có thị thực hoặc thẻ xanh từ một trong những nước bị cấm nhập cảnh vào Mỹ, gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen, hủy kế hoạch du lịch. Google viết: “Xin đừng đi du lịch ngoài nước Mỹ cho đến khi lệnh cấm được dỡ bỏ. Dù lệnh hạn chế nhập cảnh chỉ có hiệu lực trong 90 ngày, nó có thể được mở rộng mà không hoặc ít thông báo”.
Google cũng cho biết hôm 29.1 rằng họ “lo ngại về tác động của sắc lệnh này và bất cứ đề xuất nào có thể hạn chế nhân viên Google cùng gia đình của họ, hoặc có thể tạo rào cản trong việc đưa nhân tài đến Mỹ”. Google cũng tuyên bố sẽ “tiếp tục đưa ra quan điểm của hãng về những vấn đề được giới lãnh đạo Washington và những nơi khác biết đến”.
Tối 27.1, nhà đồng sáng lập Google là ông Sergey Brin có mặt tại Sân bay Quốc tế San Francisco với đám đông người biểu tình. Ông từ chối bình luận nhưng cho hay mình có mặt với tư cách cá nhân và bản thân là người nhập cư từ Nga.
CEO Apple Tim Cook thì gửi lá thư đáp lời trước vấn đề mà ông gọi là “mối lo ngại sâu sắc” trong lòng nhân viên. Ông đảm bảo nhân viên rằng hãng táo khuyết sẽ không ủng hộ chính sách của Tổng thống Trump.
“Apple sẽ không tồn tại nếu không có dân nhập cư. Có nhiều nhân viên làm việc tại Apple đang bị ảnh hưởng trực tiếp từ sắc lệnh cấm nhập cảnh vừa được ký. Phòng nhân sự, đội ngũ pháp lý và an ninh đang liên hệ với họ và Apple sẽ làm mọi thứ để hỗ trợ họ. Apple mở cửa, mở cho tất cả mọi người bất kể họ đến từ đâu, bất kể ngôn ngữ họ nói, bất kể người họ yêu hay người họ tôn thờ”, ông Cook viết.
Hãng Microsoft hiện đứng dưới sự lèo lái của CEO Satya Nadella, người Ấn Độ nhập cư đến Mỹ. Ông Nadella nói với nhân viên rằng công ty cam kết cung cấp “sự tư vấn và trợ giúp pháp lý” cho 76 nhân viên là công dân của các nước bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh mới.
“Chúng tôi đánh giá rằng vấn đề nhập cư là quan trọng đối với nhiều người làm việc trong Microsoft ở mức độ nguyên tắc và mức độ cá nhân, bất kể việc họ có là người nhập cư hay không”, Giám đốc cấp cao Microsoft Brad Smith viết trong email gửi nhân viên. Thư điện tử này cũng cho hay Microsoft sẽ vận động để những người tị nạn tuân thủ pháp luật và nhập cư hợp pháp được bảo vệ.
Hãng thương mại điện tử Amazon cũng gửi email đến nhân viên, nhắc tới các tác động của sắc lệnh và cung cấp trợ giúp pháp lý cho những nhân viên có thể bị ảnh hưởng.
“Khi chúng tôi phát triển doanh nghiệp, chúng tôi nỗ lực để thu hút nhân tài trên khắp thế giới. Chúng tôi tin rằng đây là một trong những điều giúp Amazon lớn mạnh. Lực lượng lao động đa dạng sẽ giúp chúng tôi xây dựng sản phẩm tốt hơn gửi đến khách hàng”, trích email mà Phó chủ tịch nhân sự Amazon Beth Galetti viết.
Người nhập cư và gia đình họ có lịch sử lâu dài trong việc khởi động và vận hành nhiều doanh nghiệp Mỹ. Báo cáo năm 2011 từ Partnership for a New American Economy cho thấy khoảng 45% các hãng công nghệ cao trong danh sách Fortune 500 được sáng lập bởi người nhập cư hoặc hậu duệ của những người nhập cư.
Danh sách này gồm nhiều cái tên nổi tiếng đến từ một số nước vừa bị cấm nhập cảnh: nhà sáng lập Apple Steve Jobs là con của người nhập cư từ Syria, nhà sáng lập eBay Pierre Omidyar có cha mẹ là người Iran và nhà sáng lập Oracle Bob Miner cũng là người Iran.
Hôm 28.1, CEO Square Jack Dorsey viết trên mạng xã hội Twitter rằng lệnh cấm “thực sự gây ra tác động nhân đạo, kinh tế và khó chịu”. CEO Facebook Mark Zuckerberg cũng viết trên mạng xã hội về tầm quan trọng của vấn đề nhập cư và nhắc đến câu chuyện của chính gia đình vợ ông.
Cùng ngày, Facebook tuyên bố hãng “đang đánh giá tác động của lệnh cấm lên lực lượng lao động của chúng tôi và xác định cách tốt nhất để bảo vệ nhân viên và gia đình họ trước bất cứ tác động xấu nào”.
Sắc lệnh của tân Tổng thống Mỹ cũng khiến nhiều người Hồi giáo làm việc trong ngành công nghệ e sợ. “Tôi sợ. Vì là người nhập cư đến đây bằng thẻ xanh, cảnh chiếc thẻ bị vô hiệu hóa và tôi có thể bị mắc kẹt thực sự rất sốc. Giờ tôi là một công dân nhưng tôi có rất nhiều bạn bè chưa phải là công dân và họ đang lo lắng. Ngay cả khi không đến từ những nước bị cấm nhưng nếu bạn là người Hồi giáo thì cũng chẳng ai biết chuyện gì có thể xảy ra tiếp theo”, một nhân viên làm việc tại hãng công nghệ lớn chia sẻ.
Một số sếp công nghệ tuyên bố sẽ hỗ trợ cho việc kiện ông Trump và hỗ trợ những người tị nạn. CEO Airbnb Brian Chesky viết trên Facebook rằng doanh nghiệp ông sẽ mở cửa cho bất kỳ người tị nạn nào đang mắc kẹt vì sắc lệnh. CEO Box Aaron Levie cũng hứa sẽ hỗ trợ những người tị nạn, gọi sắc lệnh là “vô đạo đức”.
Theo Thanh Niên