Phát biểu tại Diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: Năm 2016 là năm đầu tiên chúng ta triển khai các nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2016-2020 với những mục tiêu cụ thể nhằm đạt được mục tiêu tổng quát “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Hành động, hành động và hành động!
"Đối với cá nhân tôi, năm 2016 đánh dấu năm thứ 3 tôi tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam. Có thể nói, 3 năm chỉ là khoảng thời gian ngắn nhưng VCCI và VBCSD đã thành công trong việc biến hội nghị hàng năm này trở thành một diễn đàn kết nối có hiệu quả giữa khu vực công- khu vực tư- tổ chức xã hội và cộng đồng, đóng góp nhiều ý kiến vào các đề xuất chung của VCCI đối với chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam, hỗ trợ và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển" Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2016 là năm Việt Nam bắt buộc phải thực hiện các cam kết về phát triển bền vững. Và không có cách nào khác là cả Chính phủ và Doanh nghiệp phải cùng hành động. Tính tới nay, các cam kết của Chính phủ về phát triển bền vững đã được đưa ra rất đầy đủ. Tuy nhiên, câu hỏi làm thế nào để phát triển bền vững lại là câu hỏi không dễ trả lời.
"Tôi đã phỏng vấn nhiều người. Rất nhiều người biết có 17 mục tiêu phát triển bền vững. Nhưng lại rất ít người biết có 169 tiêu chí cụ thể về phát triển bền vững. Nói tới năng lực cạnh tranh của Việt Nam, thậm chí anh xe ôm cũng biết. Nhưng rất ít người, kể cả các doanh nghiệp cũng như các cán bộ của các Bộ, ngành... biết rằng có 114 tiêu chí cụ thể để đánh giá năng lực cạnh tranh. Điều này cho thấy một điều: Rất ít người biết những thứ liên quan trực tiếp đến mình". Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Vấn đề là chúng ta sẽ hướng tới tương lai với một tâm thế như thế nào? Tôi tin tất cả các bạn sẽ đồng ý với tôi rằng Việt nam chúng ta sẽ hướng tới tương lai với sự tự tin vào chính mình, tự tin vào những giá trị cốt lõi mà chúng ta gìn giữ, tự tin vào những điều khác biệt mà chúng ta có thể làm được cùng nhau trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Về phía chính phủ, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện những việc cần phải làm, cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt chú trọng đến vấn đề cơ bản của tái cơ cấu là phân bổ lại và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, quyết tâm trở thành một chính phủ kiến tạo, chính phủ phục vụ. Về phía khu vực doanh nghiệp, tôi mong muốn quý vị phát huy tối đa tinh thần doanh nhân, ý chí khởi nghiệp, tận dụng mọi cơ hội khi người khác chỉ thấy rủi ro, và vươn lên mạnh mẽ và phát triển hơn trước.
“Mô hình phi lợi nhuận vì lợi ích của cộng đồng, xã hội”
Đó là khẳng định của bà Dương Mai Hoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup về định hướng phát triển của tập đoàn này. Theo đó với mục tiêu phát triển bền vững, kiến tạo những giá trị sống mới, trong những năm qua, Vingroup đã dần hình thành một hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ đẳng cấp, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng cơ bản của xã hội như nhà ở, mua sắm, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí…
Bên cạnh việc nỗ lực phát triển các ngành kinh doanh hiệu quả và bền vững, Vingroup luôn chủ động đầu tư chiều sâu vào các lĩnh vực dân sinh như Y tế - Giáo dục - Nông nghiệp, nhằm góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng cho các sản phẩm/ dịch vụ thiết yếu, hiện thực hóa sứ mệnh “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt”.
Bà Mai Hoa cho biết "Trong khi một bộ phận có thu nhập cao đang có xu hướng xuất ngoại để học tập và chữa bệnh, thì đại đa số người dân trong nước chưa có cơ hội tiếp cận với các điều kiện y tế và giáo dục chất lượng cao". Đó là lý do, ngày 27/09/2016, Tập đoàn Vingroup công bố quyết định chuyển đổi hệ thống Vinmec và Vinschool sang mô hình phi lợi nhuận, tạo bước phát triển quan trọng để xã hội hóa hoạt động y tế và giáo dục. Toàn bộ lợi nhuận làm ra được tái đầu tư vào hệ thống y tế và giáo dục sẽ tạo cơ hội phát triển chiều sâu và bền vững về chuyên môn, từ đó đóng góp trở lại cho cộng đồng.
"Việc lựa chọn mô hình phi lợi nhuận đã nằm trong kế hoạch của Vingroup khi xây dựng và phát triển các thương hiệu mới trong lĩnh vực Hạ tầng xã hội. Bởi chúng tôi hiểu rằng với mô hình này, Vingroup sẽ mang lại nhiều giá trị và lợi ích lớn hơn cho cộng đồng" bà Hoa chia sẻ.
Bền vững mang lại giá trị
30% các nhãn hàng bền vững tăng trưởng nhanh hơn, 28% năng lượng đến từ các nguồn có thể tái tạo, hơn 600 triệu EUR được giảm thiểu từ 2008 tới nay và trở thành nơi làm việc tốt nhất tại 34 quốc gia... Đó là những con số ấn tượng do ông Trần Vũ Hoài, Phó chủ tịch Unilever đưa ra để minh chứng những giá trị mà việc theo đuổi phát triển bền vững mang lại cho doanh nghiệp này.
Theo ông Hoài, các nhãn hàng bền vững đã tăng trưởng nhanh hơn 30% so với các nhãn hàng khác, đồng thời đem lại 50% lợi nhuận cho Unilever. "Không chỉ mang lại lợi nhuận cho mình, việc theo đuổi phát triển bền vững còn mang lại sự phát triển bền vững cho những người nông dân tham gia cung cấp nguyên liệu cho chúng tôi" ông Trần Vũ Hoài nhấn mạnh.
Cũng tại Diễn đàn sáng nay, ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch VCCI đã trao bằng khen cho các doanh nghiệp phát triển bền vững
Song song với Diễn đàn, Ban tổ chức cũng tổ chức các cuộc thảo luận với các chủ đề "Doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững", "Minh bạch và liêm chính trong kinh doanh", "Nông nghiệp bền vững" và "Báo cáo bền vững và Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững". Tại các phiên thảo luận này, các diễn giả và những doanh nghiệp tham gia sẽ có những trao đổi sâu hơn về các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững, những khó khăn cũng như thuận lợi khi doanh nghiệp theo đuổi phát triển bền vững.