Cổ phiếu EIB bị đưa vào diện bị cảnh báo từ ngày 8/4/2016 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của ngân hàng này tại thời điểm cuối năm 2014 và 2015 đều là số âm, và cho đến 30/6/2017 vẫn còn lỗ lũy kế gần 167 tỷ đồng.
Đến hết năm 2017, theo Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán, Eximbank đạt hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 822 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu là 669 đồng/cổ phiếu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/4 cổ phiếu EIB tăng mạnh 4,3% lên 14.500 đồng/ cổ phiếu.
Trước đó, cổ phiếu này rơi vào chuỗi “lao dốc” dài ngày do Eximbank liên tiếp vướng phải các sự cố khách hàng mất tiền gửi. Trong đó, lớn nhất là vụ khách VIP - bà Chu Thị Bình - bị mất 245 tỷ đồng ở chi nhánh Eximbank Tp.HCM.
Chỉ tính riêng tháng 3, cổ phiếu EIB đã mất 10,3% thị giá, vốn hóa thị trường “bốc hơi” 192 tỷ đồng.
Mới đây, Eximbank vừa công bố biên bản kiểm tra hồ sơ đề cử, ứng cử nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015-2020).
Theo đó, ngân hàng đã nhận được 4 hồ sơ của 4 ứng cử viên dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI, trong đó có 1 hồ sơ ứng cử viên cập nhật thông tin hồ sơ đã nộp năm 2017.
Trước đó hồi tháng đầu tháng 2 năm nay, Eximbank có thông báo về việc sẽ bổ sung thêm 2 thành viên vào HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ này. Như vậy, các cổ đông sẽ bầu chọn lấy 2 người vào HĐQT từ 4 ứng viên đã đủ điều kiện tham gia ứng cử.
Dự kiến, Đại hội đồng Cổ đông thường niên Eximbank 2018 sẽ được tổ chức vào ngày 27/4/2018.
Còn nhớ, tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 của Eximbank, có 2 trong 15 tờ trình xin ý kiến cổ đông đã không được chấp thuận gồm tờ trình tổng mức thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT năm 2017, và tờ trình phương án khắc phục chỉnh sửa liên quan đến hồ sơ Eximland.
Trong nhiều năm trước, có tin hoạt động Eximbank kém là do một số cổ đông lớn, lãnh đạo sử dụng ngân hàng này như một trong những kênh huy động, luân chuyển và bơm tiền để tham gia "đánh úp", thôn tính Sacombank từ gia đình ông Đặng Văn Thành. Sacombank sau đó có giai đoạn hoạt động không thành công dưới chèo lái của ông Trầm Bê - người hiện đang là bị can trong nhiều vụ án lớn liên quan tới ngành ngân hàng. Đồng thời, có tin nhiều cá nhân - với bảo lãnh của LienVietPostBank - đã đứng tên vay vốn "hộ" để lãnh đạo Eximbank dùng tiền vay này mua cổ phần Sacombank. Thông tin sau này cho thấy LienVietPostBank, Eximbank... đều có sở hữu cổ phần tại Sacombank. Đồng thời một số lãnh đạo cấp của Eximbank và LienVietPostBank đã thực sự "rẽ ngang" sang nắm vị trí chủ chốt tại Sacombank theo từng thời kỳ. |