Cụ thể, dự án nhà ở xã hội tại phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) có 427 căn để bán, 11 căn cho thuê với quy mô hơn 1.600 người. Giá theo phê duyệt tạm tính của chủ đầu tư, trung bình khoảng 19,5 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT và chưa bao gồm kinh phí bảo trì).
Dự án nhà ở xã hội IEC (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cũng đưa ra mức giá 16 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT và phí bảo trì). Dự án Ecohome 3 (phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm) với giá hơn 16,3 triệu đồng/m2 (đã bao gồm AT nhưng chưa có phí bảo trì)...
Trước đây, khi được vay gói 30 nghìn tỉ đồng, giá nhà ở xã hội không được bán vượt quá mức giá 15 triệu đồng/m2. Nhưng hiện nay, kết thúc gói tín dụng ưu đãi, giá nhà ở xã hội đã tăng dần.
Lý giải về điều này, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, giá nhà ở xã hội không khống chế giá mà quy định lợi nhuận chủ đầu tư không được vượt quá 10%. Bên cạnh đó, chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhận được nhiều ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất so với nhà thương mại.
Theo Bộ Xây dựng, tính đến tháng 1, cả nước có 207 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành đưa vào sử dụng, quy mô khoảng hơn 85.800 căn, tổng diện tích hơn 4,2 triệu m2. Cả nước vẫn đang triển khai 220 dự án với quy mô xây dựng khoảng hơn 179 nghìn căn.
Riêng trong năm 2019, có 25 dự án với hơn 13.700 căn hộ được cấp phép, 58 dự án với hơn 30.500 căn hộ đang triển khai xây dựng và 22 dự án với hơn 7.300 căn hộ hoàn thành. Dù vậy, Bộ Xây dựng đánh giá kết quả trên chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo một số chuyên gia bất động sản, sau khi gói 30 nghìn tỉ đồng kết thúc, mặc dù có gói tín dụng mới từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tuy nhiên cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội của người dân sẽ khó khăn hơn, đặc biệt đối với những người thu nhập thấp.