Hiệu ứng Tết Âm lịch vẫn đúng với thị trường chứng khoán năm 2021?

Thống kê trong 20 năm qua có tới 13 năm chỉ số Vn-Index ghi nhận mức tăng trong tuần giao dịch đầu tiên sau Tết. Tuy nhiên, với những biến động về tình hình dịch bệnh như hiện nay, liệu lịch sử có lặp lại với Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021?
Hiệu ứng Tết Âm lịch vẫn đúng với thị trường chứng khoán năm 2021?

Trong những năm gần đây, những con sóng thường xuất hiện quanh dịp Tết thường diễn ra liên tục khiến các nhà đầu tư không khỏi chú ý đến biến động thị trường trong giai đoạn này.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sóng thị trường quanh dịp Tết ngoài yếu tố tâm lý nhà đầu tư còn mang tính chất logic khi giai đoạn sau là giai đoạn các hoạt động tái cơ cấu danh mục diễn ra khá mạnh, luồng tiền sẽ có xu hướng chạy vào những cổ phiếu được dự đoán hoạt động tốt trong năm vừa qua.

Dịp Tết "khác lạ"

Tuy nhiên, đây là quy luật, động thái của thị trường những năm về trước còn đối với dịp Tết Tân Sửu vừa qua thì khó có thể đoán định được thị trường sẽ tiếp tục đi đúng quy luật hay không.

Đầu tiên là các diễn biến của thị trường chứng khoán trong năm 2020 vốn đã được xem là "khác lạ" do tác động của dịch Covid-19 khiến sự góp mặt của các F0 đông đảo hơn bao giờ hết. Rõ ràng, chưa bao giờ chứng khoán phủ sóng khắp mọi con phố, nẻo đường, hàng quán, mọi tầng lớp người lao động như năm vừa qua.

Nhờ sự hỗ trợ lớn của dòng tiền này, các chỉ số thị trường cứ thế đi lên mà không vướng bất kỳ chướng ngại vật nào.

Thế nhưng, chính sự tăng nóng này đã khiến các nhà đầu tư vốn không có nhiều kiến thức liên tiếp rơi vào trạng thái hoang mang khi thị trường lao dốc nhanh chóng vào những phiên giao dịch cuối tháng 1/2021

Đây cũng chính là thời điểm bước vào chuỗi ngày giao dịch cuối cùng của năm Canh Tý và cũng là giai đoạn các nhà đầu tư  đón nhận quá nhiều tin xấu liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 trước đợt bùng phát thứ 3 với tốc độ lây lan "chóng mặt".

Diễn biến này khiến người dân Việt Nam phải đón một cái Tết không mấy an bình khi những hoạt động mang tính truyền thống dịp đầu năm mới đều phải dừng lại, nhiều nơi phải ăn Tết trong bối cảnh bị cách ly, phong toả.

Tình hình vẫn chưa thể khả quan hơn khi càng gần đến ngày kết thúc kỳ nghỉ số ca nhiễm vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, thậm chí còn xuất hiện thêm ca bệnh có tính phức tạp tại Hà Nội là một người đàn ông quốc tịch Nhật Bản đã tử vong. Bên cạnh lịch trình mang tính chất "giấy tờ" thì những nơi người này đã từng đi qua đều là một sự mơ hồ.

Theo số liệu từ  Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, trong giai đoạn từ ngày 28/1 đến 16/2, Việt Nam ghi nhận 719 ca nhiễm cộng đồng, ở 13 tỉnh thành gồm Hải Dương (539), Quảng Ninh (60), TP HCM (36), Hà Nội (35), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Điện Biên (3), Hòa Bình, Hưng Yên và Bắc Giang mỗi nơi 2 ca, Hải Phòng, Hà Giang mỗi nơi một ca.

Cũng tính đến ngày 16/2, nhiều hoạt động kinh doanh tại Hà Nội đã phải tạm dừng và Hải Dương đã chính thức phải cách ly toàn tỉnh. Thậm chí có ý kiến cho rằng, Hà Nội sẽ trở nên nguy hiểm hơn khi ngày 17/2 là ngày người dân ở khắp các tỉnh, thành sẽ trở về để quay lại với guồng quay công việc.

Những nhận định lạc quan

Thực tế, số năm thị trường chứng khoám giảm sau Tết có phần khiêm tốn hơn nhưng năm gần nhất là 2020 thị trường giảm tới 6,6% do tác động của đại dịch Covid-19. Sau Tết Canh Tý, VN-Index đã giảm liên tục đến cuối tháng 3 do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Thế nhưng, so với năm trước, dịp sau Tết Tân Sửu các công ty chứng khoán lại có phần lạc quan hơn.

Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 2, SSI Research cho rằng đợt điều chỉnh trong tháng 1 phần lớn do tác động của các yếu tố kỹ thuật đã đưa hệ số P/E thị trường về mức 14,65 lần vào ngày 29/1 và tăng lên 14,97 lần vào ngày 4/2. Con số này thấp hơn đáng kể so với thời điểm thị trường đạt đỉnh gần mức lịch sử.

"Mặc dù thông tin dịch bệnh là yếu tố chính khiến thị trường biến động mạnh giai đoạn này nhưng chúng tôi cho rằng sự tham gia sôi động của nhà đầu tư cá nhân và dòng vốn ETF vào thị trường Việt Nam vẫn là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường đi lên sau các nhịp điều chỉnh", nhóm phân tích đánh giá.

Việt Nam cũng là thị trường cổ phiếu duy nhất tại khu vực châu Á có vốn vào liên tục trong 4 tuần trước Tết, trong đó các quỹ ETF hút ròng thêm khoảng 129 triệu USD.

"Trong ngắn hạn, vùng 1.100 điểm đã quay lại chống đỡ khá tốt cho VN-Index trong những phiên giao dịch đầu tháng 2 trước lượng cung chốt lời đã mua ở vùng giá thấp", báo cáo SSI viết.

Tương tự, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho cũng cho biết, thị trường dự báo sẽ có diễn biến khởi sắc trong những phiên giao dịch đầu tiên sau kì nghỉ Tết dài ngày, Vn-Index nhiều khả năng sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự gần 1.140-1.150 điểm trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, BVSC lưu ý rằng tuần giao dịch đầu tiên của thị trường sau kì nghỉ Tết Nguyên đán có thể xuất hiện các nhịp biến động mạnh do ảnh hưởng từ ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 2 VN30 chứng khoán phái sinh và hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quĩ đầu tư theo các bộ chỉ số của MSCI Frontier Market Index. 

Cũng có quan điểm thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng ở các phiên giao dịch đầu năm Tân Sửu, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng chỉ số Vn-Index có thể giao dịch giằng co quanh đường trung bình 20 ngày. Do vậy, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng.

Dòng tiền ngắn hạn trên thị trường hiện vẫn duy trì ở mức thấp cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường. Nhưng theo YSVN, hiện tượng này chưa đáng ngại khi thị trường đang có sự phân hóa rõ nét. 

Xem thêm

"Vũ điệu Samba" của thị trường chứng khoán

"Vũ điệu Samba" của thị trường chứng khoán

Dịch COVID-19 ập tới khiến nền kinh tế toàn cầu lao đao cùng đà bán tháo diễn ra hồi tháng 3/2020. Ít ai nghĩ, đây lại là một năm thành công với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm