Him Lam và DIC không thể “bắt tay” làm dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu

Cổ đông của Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) đã không không thông qua chủ trương hợp tác đầu tư với Tập đoàn Him Lam thực hiện dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu.
Him Lam và DIC không thể “bắt tay” làm dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu

Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp - DIG) vừa công bố biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án hợp tác đầu tư Dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu tại Phường 12, thành phố Vũng Tàu và các nội dung ủy quyền cho HĐQT theo tờ trình 09/TTr-DIC/HĐQT ngày 27/8.

Cụ thể, số cổ đông đồng ý phương án đầu tư khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu chỉ chiếm 33% lượng cổ phần có quyền biểu quyết. Ý kiến không đồng ý chiếm 26,6%. Số cổ đông không có ý kiến chiếm 20,3%. Ngoài ra, 20% cổ đông không gửi phiếu biểu quyết.

Trước đó, theo tờ trình của HĐQT DIC Corp, doanh nghiệp này đề xuất hợp tác đầu tư dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu với Công ty Cổ phần Him Lam.

Chủ trương của DIC Corp là hợp tác với công ty con do Công ty Cổ phần Him Lam chỉ định để thực hiện đầu tư Dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu. DIC Corp và công ty đó sẽ tham gia góp vốn thành lập Công ty TNHH hai thành viên, trong đó DIC Corp góp 65% vốn điều lệ, công ty con của Him Lam góp 35%.

Như vậy, DIC Corp sẽ phải tìm phương án mới để tiếp tục thực hiện dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu sau khi cổ đông bác bỏ kế hoạch hợp tác với Him Lam.

Dự án khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu là dự án có quy mô 90 ha nằm ở phường 12, TP Vũng Tàu, được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt chọn DIC làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 đến 2026.

Đến 31/7/2020, dự án đã cơ bản hoàn thành các thủ tục pháp lý, đang thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, đã bồi thường giải phóng mặt bằng được khoảng 7,2ha/90,5ha.

Do công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, đến nay đã qua một nửa thời gian cho phép song dự án vẫn chưa được khởi công. Chủ đầu tư đã bị cơ quan chức năng có thẩm quyền nhắc nhở về việc chậm tiến độ thực hiện dự án.

Doanh nghiệp cho biết tổng mức đầu tư hiện tại của dự án khoảng 10.500 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với con số 4.000 tỷ vào năm 2017. Trung bình mỗi năm không triển khai, tổng mức đầu tư dự án tăng thêm hơn 2.000 tỷ đồng.

Theo cân đối nguồn thu chi của doanh nghiệp này, việc bố trí nguồn vốn riêng khoảng 10.000 tỷ đồng cho khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu (năm 2020-2026) là rất khó khăn. Chưa kể, công ty còn phải triển khai đầu tư các công trình chung cư, nhà ở, thương mại dịch vụ…

Ngoài ra, qua cân đối kế hoạch vốn, DIC Corp cần vay khoảng 2.300 tỷ đồng ngay trong quý IV/2020 và hai quý đầu năm 2021 để bồi thường giải phóng mặt bằng và nộp tiền sử dụng đất giai đoạn 1.

Tuy nhiên, phía công ty cũng cho biết tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại chỉ cho vay để thi công và nộp tiền sử dụng đất, không cho vay phục vụ mục đích bồi thường giải phóng mặt bằng khi chưa có thông báo thu hồi đất.

Hơn nữa, thời gian xét duyệt nguồn vốn phải mất thêm 3-6 tháng, trong khi dự án cần được triển khai ngay trong năm.

Sau khi rà soát lại toàn bộ các nguồn thu - chi của DIC Corp, tính riêng 5 tháng cuối năm 2020, công ty đang hụt giải ngân gần 3.345 tỷ đồng cho các dự án. Việc tự thu xếp vốn cho dự án tại thời điểm này là rất khó khăn đối với DIC Corp. Do đó, HĐQT DIC Corp đưa ra đề xuất hợp tác với Công ty Cổ phần Him Lam để kịp thời triển khai dự án theo kế hoạch.

Về phía Him Lam, nếu tham gia dự án này, ngoài cam kết góp vốn theo tỷ lệ 35%, doanh nghiệp này còn cam kết thu xếp nguồn vốn vay tổng cộng 3.500 tỷ đồng mà không cần tài sản đảm bảo thế chấp, nhằm bồi thường giải phóng mặt bằng mà không cần thông báo thu hồi đất.

Sau khi cân nhắc các phương án như vay vốn từ ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính hay doanh nghiệp tự thu xếp vốn đều không khả quan, HĐQT đề xuất hợp tác cùng CTCP Him Lam. Ban lãnh đạo cho biết chỉ có Him Lam là đơn vị thực sự quan tâm đến dự án và có năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai các dự án đô thị.

Bên cạnh đó, công ty này cũng có mối liên hệ với các tổ chức tín dụng lớn trong nước, có thể thu xếp được nguồn vốn cho dự án với mức huy động lớn trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, Him Lam đồng ý thu xếp nguồn vốn vay tổng thể cho dự án khoảng 3.500 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là 2.000 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 1.500 tỷ đồng.  

Có thể bạn quan tâm