Him Lam và những "vết đen" trong quá trình thực hiện dự án!

Nhắc đến Him Lam là nhắc đến rất nhiều tai tiếng từ Bắc vào Nam với hàng loạt những dự án xây dựng sai phép, trái quy hoạch, thực hiện dự án theo kiểu "cầm đèn chạy trước ô tô", thậm chí "treo" dự án đến mức chính quyền buộc phải thu hồi làm khổ bao người dân.

Miền Nam: Xây dựng sai phép, trái quy hoạch, bị thu hồi vì "treo" dự án

Tại TP. Hồ Chí Minh, cũng là nơi đóng quân chính của mình, Him Lam được các cấp chính quyền tạo điều kiện thực hiện rất nhiều dự án bất động sản. Đầu tiên phải nhắc đến là Dự án nhà ở cán bộ công an tại phường Cát Lái, quận 2 Công ty Cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam làm chủ đầu tư.

Dự án này Him Lam được Bộ Công an chỉ định làm chủ đầu tư từ năm 2017, nhưng đến năm 2020 dự án mới chỉ thực hiện được nội dung ban hành kế hoạch về thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm đối với dự án. Việc thỏa thuận chi tiết các nội dung thực hiện như chi phí thực hiện dự án, thời gian thực hiện, giá bán sản phẩm, phê duyệt đối tượng mua và nguồn vốn đầu tư dự án vẫn chưa được Bộ Công an và chủ đầu tư thực hiện theo quy định pháp luật.

Từ những căn cứ nêu trên, ngày 21/4/2020, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã có công văn về việc hủy bỏ chủ trương thu hồi đất để đầu tư. Sau đó, các ngành chức năng của UBND quận 2 đã phát thông báo chính thức về việc hủy bỏ pháp lý Công văn số 1536/UBND-ĐT ngày 24/3/2017 của UBND TP về chấp thuận chủ trương thu hồi đất để đầu tư dự án khu nhà ở cán bộ, chiến sỹ thuộc Bộ Công an.

Mấy tháng sau (tức tháng 8/2020) Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đã có công văn chỉ đạo UBND Quận 7 xử lý vi phạm đối với các công trình sai phép xây dựng trên đất công viên cây xanh và đường dân sinh tại dự án Khu nhà ở Him Lam, phường Tân Hưng, quận 7.

Him Lam dính rất nhiều tai tiếng khi thực hiện các dự án
Him Lam dính rất nhiều tai tiếng khi thực hiện các dự án

Theo đó, dự án Khu nhà ở Him Lam do Công ty Cổ phần Him Lam làm chủ đầu tư, được UBND Tp.HCM giao đất năm 2006 để đầu tư xây dựng khu nhà ở. Đến năm 2007, UBND quận 7 ban hành quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

Dự án có quy mô 58,3ha; gồm 840 nhà liên kế, 321 biệt thự và gần 3.000 căn hộ chung cư. Được quy hoạch để trở thành khu dân cư cao cấp, kiểu mẫu, nhưng nhiều người dân sống tại khu nhà ở Him Lam phản ánh về việc chiếm dụng đất công để xây dựng quán ăn, bãi giữ xe.

Thông tin chỉ đạo điều hành của UBND Tp.HCM nêu rõ: liên quan đến dự án khu nhà ở Him Lam, phường Tân Hưng, quận 7 do Công ty Cổ phần Him Lam làm chủ đầu tư, UBND thành phố giao UBND quận 7 xử lý vi phạm đối với các công trình sai phép và không phù hợp với đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu nhà ở Him Lam tại phường Tân Hưng, quận 7; giám sát việc xây dựng tại phần diện tích đất đã được quy hoạch để xây dựng các công trình công cộng, cây xanh, vườn hoa... tại khu nhà ở này.

Miền Bắc: Xin đất để không, thực hiện dự án kiểu "cầm đèn chạy trước ô tô"

Nhắc đến Dự án khu nhà ở xã hội phường Thượng Thanh, quận Long Biên nhiều người dân ở thủ đô không khỏi ngao ngán, bởi đây là dự án được chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng giai đoạn năm 2014 đến quý IV/2018; dự kiến thời gian thi công xây dựng, kết thúc toàn bộ dự án từ quý III/2018 - II/2021. Dự án này được Him Lam liên danh với Công ty CP BIC Việt Nam.

Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, theo thông tin chúng tôi thu thập được dự án vẫn chỉ nằm trên giấy, chủ đầu tư chưa hề có động thái triển khai, nhưng đã được rao bán công khai trên mạng. Không những vậy, Him Lam đã thế chấp toàn bộ dự án này để vay khoản tiền khoảng 200 tỷ, sản đảm bảo là lợi tức thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; các khoản phải thu, các khoản phí mà Công ty Cổ phần Him Lam Thủ Đô thu được trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án.

Vẫn ở quận Long Biên, nhưng khi nhắc đến Dự án Khu công viên Công nghệ Thông tin Hà Nội, nhiều người dân mất đất cho dự án không khỏi xót xa khi thấy đất đai bị bỏ hoang nhiều năm nay.

Ông Dương Công Minh - ông chủ của Him Lam
Ông Dương Công Minh - ông chủ của Him Lam

Dự án này có diện tích 36 ha do Công ty CP Him Lam Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án đã giải phóng mặt bằng xong từ năm 2015, nhưng nhiều năm sau khu vực này vẫn chỉ là bãi đất hoang. Theo quy hoạch được duyệt, nhiều tổ hợp công trình dịch vụ cao tầng như trung tâm đào tạo công nghệ thông tin, công trình thương mại, dịch vụ công cộng, triển lãm sẽ được xây dựng tại khu đất này với mục tiêu cung cấp một hệ thống hạ tầng hoàn hảo, hỗ trợ tối đa cho sự phát triển về công nghệ thông tin.

Năm 2015 hàng trăm hộ dân tại phường Phúc Đồng đã chấp thuận bàn giao toàn bộ nhà và đất cho UBND quận Long Biên để phục vụ dự án. Trong đó, hơn 200 hộ được bố trí tái định cư tại dự án khu nhà ở Him Lam. Đây là khu đất do công ty Him Lam đấu giá thành công năm 2015, với diện tích hơn 1,3 ha.

Tại thời điểm giao đất tin lời ông Phó Chủ tịch quận hứa: "Bà con cứ yên tâm nhận đất để xây nhà. Quận Long Biên sẽ có trách nhiệm lo thủ tục làm sổ đỏ cho người dân". Nhưng đến vài năm sau người dân vẫn không được cấp sổ đỏ, khiến cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, việc hơn 200 hộ dân không được cấp sổ đỏ là do quận Long Biên và Công ty Him Lam đã tự ý chia đất tái định cư cho dân khi chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch. Theo đó, năm 2015, sau khi trúng đấu giá khu đất 1,3 ha, Công ty Him Lam đã xin thành phố Hà Nội cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất đấu giá sang đất tái định cư để phục vụ việc giải phóng mặt bằng các dự án của doanh nghiệp trên địa bàn quận. Đề xuất này đã được ông Chủ tịch UBND thành phố thời điểm đó chấp thuận.

Theo quy định, lẽ ra sau khi được thành phố Hà Nội chấp thuận về mặt chủ trương, Công ty Him Lam phải làm các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và lập quy hoạch. Nhưng doanh nghiệp này đã không làm đúng trình tự thủ tục mà phối hợp với chính quyền quận Long Biên giao đất cho dân theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô”. Cụ thể, vào giữa năm 2016, Công ty Him Lam đã thực hiện việc bàn giao vị trí đất cho các hộ dân để xây nhà ở.

Toàn bộ quá trình giao đất đều có sự chứng kiến của các cán bộ đại diện chính quyền quận Long Biên bao gồm Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, phòng Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn và phường Phúc Đồng. Ngay sau khi giao đất, quận Long Biên còn cấp giấy phép xây dựng cho hàng trăm hộ dân xây nhà ở.

Thế nhưng, phải đến gần 1 năm sau đó, quận Long Biên mới ký quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mặt bằng cho dự án này. Điều đáng ngạc nhiên, diện tích các ô đất được phê duyệt trong quyết định này lại không đúng với diện tích các ô đất đã giao cho các hộ dân tái định cư.

Dự án 61 Trần Phú - Him Lam là liên danh hiện đang phải tạm dừng để rà soát kiểm tra
Dự án 61 Trần Phú - Him Lam là liên danh hiện đang phải tạm dừng để rà soát kiểm tra

Có thể thấy Him Lam tuy là doanh nghiệp lớn, thành lập và hoạt động lâu năm, trong quá trình thực hiện các dự án đã được các cấp chính quyền tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhưng lại có khá nhiều vấn đề trong khi triển khai các dự án - những điểm trừ trong hồ sơ năng lực của doanh nghiệp này.

Với những gì đã nêu trong bài viết cho thấy cái "tâm" trong làm ăn của doanh nghiệp này, bởi họ không những không tôn trọng những quy định của luật pháp mà còn coi thường với cả cuộc sống của những người dân bị ảnh hưởng ở những dự án họ thực hiện.

Mới đây, dư luận cả nước xôn xao về việc phá biệt thự từ thời Pháp để thực hiện dự án ở số 61 Trần Phú, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Trước áp lực từ dư luận Thành ủy thành phố đã chỉ đạo tạm dừng thi công để rà soát, kiểm tra lại xem có sai phạm không. Dù chưa có kết luận, nhưng nếu có sai phạm thì Him Lam (với tư cách là liên danh) cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Xâu chuỗi các thông tin trên lại, các ngành chức năng cần xem xét lại "thái độ" thực hiện dự án của Him Lam để từ đó cân nhắc cấp dự án mới (nếu có) cho doanh nghiệp này!.

Xem thêm

Ông chủ của dự án số 61 Trần Phú là ai?

Ông chủ của dự án số 61 Trần Phú là ai?

Nhận thấy khu đất có tiềm năng khai thác tốt, Postef đã "bẻ" kế hoạch và bắt tay với đối tác "thân mật" để triển khai. Nhưng trong quá trình thực hiện đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ dư luận, đồng thời nảy sinh nhiều vấn đề cần được làm rõ.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...