Như chúng tôi đã thông tin ở bài: "Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA (Bài 1): Vai trò của địa phương là rất tích cực!", các tỉnh, thành đã triển khai hiệu quả nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA), góp phần thúc đẩy tăng trưởng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.
Nhưng, dưới góc nhìn của nhiều nhà chuyên môn về các FTA, các chương trình hỗ trợ của địa phương chưa thực sự đi sâu vào cụ thể những ngành nghề mà chúng ta cần tận dụng các FTA.
Cần đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin, trong quá trình điều tra về thực thi Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và các chính sách hỗ trợ về hội nhập đối với các FTA ở Việt Nam, chúng tôi phát hiện ra còn có sự cách biệt khá lớn giữa nhu cầu của doanh nghiệp đối với khả năng đáp ứng từ phía các cơ quan nhà nước, của địa phương.
Từ kết quả điều tra, khảo sát chúng tôi thấy các doanh nghiệp đang rất mong muốn các cơ quan nhà nước triển khai các công tác hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập một cách hiệu quả hơn, đáp ứng sát hơn với nhu cầu của doanh nghiệp.
Từ thực tế đó, ông Thạch cho rằng, các địa phương cần thiết phải có đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình này.
Và từ kinh nghiệm của VCCI, ông Thạch khuyến nghị vấn đề mấu chốt là phải quan tâm đến cách thức để triển khai việc hỗ trợ doanh nghiệp.
Thứ nhất, chính quyền các địa phương phải tìm hiểu xem nhu cầu của các doanh nghiệp cụ thể ra sao, cần cung cấp thông tin về vấn đề gì, với từng nhóm doanh nghiệp theo quy mô, rồi theo ngành nghề. Thậm chí là theo định hướng của từng FTA hay từng thị trường một. Nếu làm thì chúng ta có thể có những nghiên cứu, đánh giá sâu ngay từ đầu trên cơ sở mới có thể thiết kế và triển khai được các chương trình hỗ trợ một cách hiệu quả.
Thứ hai là phải gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện những thủ tục hành chính về xuất nhập, khẩu có liên quan.
Ông Thạch chia sẻ: "Trong điều tra PCI 2021, VCCI có thăm dò ý kiến các doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính có liên quan đến lĩnh vực về hội nhập các FTA, họ gặp phải những khó khăn gì. Và có đến gần 60% các doanh nghiệp cho biết họ gặp những vướng mắc về vấn đề quy định pháp luật".
Do đó, theo ông Thạch, để làm được việc này, trước tiên về mặt pháp luật trong nước nên rà soát để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực liên quan. Ở công đoạn này, vai trò của chính quyền các địa phương hết sức quan trọng.
Bởi, chính họ là những cơ quan trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp, trực tiếp xử lý các thủ tục với doanh nghiệp. Chính vì vậy, họ nắm bắt những vấn đề, những vướng mắc, những khó khăn của doanh nghiệp nhiều nhất.
Bàn về giải pháp cụ thể hơn, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực chúng ta cũng có hạn chưa thể làm cho tất cả các doanh nghiệp, tất cả các sản phẩm được thì chúng ta cần phải dồn nguồn lực nhất định, tập trung cho 1 hoặc 2 mặt hàng chiến lược của mỗi tỉnh, thành.
Cụ thể, mỗi tỉnh thành chúng ta nên lựa chọn 1 hoặc 2 mặt hàng chiến lược. Ví dụ như có những tỉnh thành mạnh về gạo, chúng ta tập trung phát triển về gạo. Có những tỉnh thành mạnh rau, quả chế biến, chúng ta tập trung cho chế biến rau, quả. Tỉnh thành nào có truyền thống về da giày thì chúng ta tập trung về da giày.
"Tôi lấy ví dụ như Hải Phòng, tỉnh này rất mạnh về da giày, họ có truyền thống về da giày bao năm nay. Có những doanh nghiệp có truyền thống mấy chục năm, thế nhưng bây giờ không tập trung phát triển ngành da giày thì hơi lãng phí", ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương.
Hay như ở Long An họ rất mạnh về gạo, bây giờ họ tập trung phát triển việc gạo thì cũng rất tốt.
Bây giờ nhưng tập trung sang phát triển các mảng khác cũng tốt, nhưng quan trọng chúng ta đang nói ở đây là câu chuyện không phải làm thế nào để tăng xuất khẩu, cụ thể là làm thế nào để tăng tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng các FTA.
Quay trở lại với việc lựa chọn mặt hàng chiến lược, ông Khanh cho rằng chúng ta cần xây dựng hệ sinh thái để hỗ trợ. Ví dụ như ngành gạo chẳng hạn, họ bảo bây giờ tôi rất muốn phát triển. Nhưng hiện tại nông dân với doanh nghiệp sản xuất chưa kết nối được với nhau; Doanh nghiệp sản xuất với các thị trường bên ngoài chưa kết nối được với nhau; Hay là chính sách của cơ quan trung ương liên quan đến xuất khẩu gạo thì cũng có nhiều bất cập.
Vì thế, tôi nghĩ chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái từ cơ quan trung ương xuống địa phương đến nông dân, các doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan. Tất cả phải ngồi với nhau bàn bạc và xác định phát triển ngành ngành chiến lược thì cần phải làm những cái gì, ông Khanh nói.
Kỳ vọng lớn vào FTA Index
Để đánh giá về hiệu quả của việc các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các FTA, thời gian qua Bộ Công Thương đã có đề xuất và đã được Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA hằng năm của các địa phương - hay còn gọi là FTA Index(là công cụ để phản ánh mức độ hiệu quả của các FTA đem lại tới các địa phương). Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các liên quan, các cơ quan liên quan để có thể triển khai hiệu quả Đề án này.
Để triển khai Đề án này, ông Ngô Chung Khanh cho biết, Bộ Công Thương đã gửi công văn đề nghị các tỉnh, thành cung cấp các đầu mối để phối hợp thực hiện Đề án.
Theo ông Khanh, đầu năm 2023 các công việc sẽ được sẵn sàng để chính thức triển khai liên quan về đánh giá FTA Index.
Đánh giá về Đề án này, ông Phạm Ngọc Thạch rất hoan nghênh và ủng hộ ý tưởng này. Việc thực hiện Đề án là chúng ta thấy được rằng công tác về hội nhập kinh tế quốc tế đã được đẩy mạnh rất nhiều trong thời gian qua.
Khi mà chúng ta xây dựng và phát triển FTA Index, rõ ràng sẽ giúp Chính phủ và Bộ Công Thương có được một công cụ chỉ đạo điều hành sẽ rất là hiệu quả.
Ông Thạch cho rằng, việc thực hiện FTA Index cũng sẽ giống như đối với PCI. Ví dụ đối với PCI là chúng ta nhận diện được những vấn đề của môi trường kinh doanh để thúc đẩy cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh. Rõ ràng là trong thời gian mười mấy năm qua, chúng ta đã nhìn thấy những bước chuyển rất là mạnh mẽ và trong FTA Index này thì chúng tôi kỳ vọng vào câu chuyện đó là rất lớn.
Tiếp đến, thực hiện FTA Index sẽ tác động trực tiếp đối với chính quyền của các địa phương, bởi nó sẽ là một công cụ giúp cho các đồng chí lãnh đạo của các tỉnh, thành phố có thêm những thông tin để triển khai những chính sách của Trung ương trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các FTA. Lớn hơn, nó sẽ là một công cụ giúp chúng ta có được bước chuyển tốt hơn về mặt tư duy, trong việc quan tâm thúc đẩy câu chuyện về hội nhập FTA trong thời gian tới.
Đặc biệt, đây sẽ là kênh thu thập thông tin phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp, những người thụ hưởng những chính sách về hội nhập.
Điều này là rất hữu ích, bởi ở Việt Nam có đến 97 - 98% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ. Những doanh nghiệp này thường rất ít có cơ hội để có thể nêu được các vấn đề, những vướng mắc của mình.
Với FTA Index, ông Thạch hy vọng sẽ là một kênh hiệu quả để truyền tải tiếng nói của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân có những kiến nghị chính sách để các cơ quan chức năng có những điều chỉnh giúp cho họ tận dụng được những cơ hội từ các FTA một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới.