Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA (Bài 1): Vai trò của địa phương là rất tích cực!

Các tỉnh, thành đã triển khai hiệu quả nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các FTA, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA – Nhìn từ cách làm của Hà Nội

Chia sẻ về những phương pháp hỗ trợ của Hà Nội tại tọa đàm “Nâng cao vai trò của các địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA”, bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: "Trong năm 2022, phải nói Sở Công Thương thành phố đã triển khai rất nhiều các hoạt động để hỗ trợ và đồng hành với các doanh nghiệp và đặc biệt là các doanh nghiệp mà thực hiện xuất khẩu. Các hoạt động này được đẩy mạnh, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư theo chỉ đạo của thành phố".

Cụ thể, Sở Công thương đã tổ chức thành công rất nhiều những hội nghị kết nối doanh nghiệp công nghiệp chủ lực của thành phố với các tỉnh và với các nước. Điển hình như Hội nghị công nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội với Italia; Hội nghị kết nối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với các ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư, bà Oanh nói.

Bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội
Bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội

Song song đó, Sở Công thương cũng tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình và tìm kiếm đối tác.

Thành phố đã tổ chức thành công 7 hội nghị, triển lãm của ngành công thương và hội chợ công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2022 rất thành công.

Về phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, thành phố thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 – 2025 và đã công nhận 133 sản phẩm của 81 doanh nghiệp đạt danh hiệu là sản phẩm công nghiệp chủ lực. Các sản phẩm chủ yếu trong các ngành nghề về công nghệ cao, điện, điện tử và dệt may, cơ khí chế tạo thực phẩm và thủ công mĩ nghệ.

Đối với hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới trong công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật thành phố Hà Nội cũng đã hỗ trợ được 10 cơ sở công nghiệp nông thôn và đầu tư ứng dụng các trang thiết bị máy móc tiên tiến, hiện đại đưa vào sản xuất; Hỗ trợ cho 30 cơ sở công nghiệp nông thôn thiết kế các mẫu mã, bao bì và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hỗ trợ trong sản xuất và trình diễn kỹ thuật, đảm bảo được hiệu quả, về hoàn chỉnh và tài liệu, quy trình công nghệ phục vụ cho việc gia tăng sản xuất và trình diễn kỹ thuật, bà Oanh thông tin.

Đặc biệt, thành phố đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các thị trường trong các nước FTA. Cụ thể, thành phố Hà Nội tổ chức các hội nghị tập huấn liên quan đến nội dung các hiệp định và thông tin thị trường, về các kỹ năng để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường FTA.

Đồng thời xây dựng phát hành các bản tin thị trường hàng tháng cũng như biên soạn và phát hành các cẩm nang cho các doanh nghiệp nghiên cứu như cẩm nang về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật, thực vật.

Đánh giá về kết quả đạt được từ những chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các FTA, bà Oanh cho biết: Dù có những khó khăn, nhưng trong thời gian qua hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội có kết quả cũng đáng ghi nhận. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang các nước ký kết các hiệp định như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) trong năm 2022 ước đạt được khoảng 5,88 tỷ USD và chiếm 33,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội.

Các doanh nghiệp tận dụng các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu có công sức rất lớn từ các tỉnh, thành
Các doanh nghiệp tận dụng các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu có công sức rất lớn từ các tỉnh, thành

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang các nước trong 3 FTAnày bao gồm các mặt hàng cơ kim khí đạt khoảng 1,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 30,8% tổng xuất khẩu kim ngạch xuất khẩu, hàng dệt may đạt khoảng 0,8 tỉ USD và linh kiện điện tử vi tính đạt khoảng 0,6 tỷ USD; giày dép, cặp túi các loại đạt khoảng 0,3 tỷ USD và nông sản các loại đạt 0,2 tỷ USD.

Trong năm 2022, Hà Nội có khoảng 7.900 doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu từ các nước ký kết các FTA. Đây là một kết quả rất cố gắng của Hà Nội trong thời gian vừa qua.

Xuất khẩu tăng có công sức rất lớn từ các tỉnh, thành!

Đánh giá về vai trò của các địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương nêu quan điểm: “Sau khi chúng ta kí kết các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA hay FTA với Vương quốc Anh, Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực thi và căn cứ trên kế hoạch thực thi của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương cũng xây dựng kế hoạch thực thi của mình”.

Từ góc độ của cơ quan được Chính phủ giao theo dõi việc thực hiện các FTA của các bộ, ngành và các địa phương, chúng tôi nhận thấy rằng việc ban hành kế hoạch thực hiện của các địa phương ngày càng tích cực hơn, ông Khanh nêu quan điểm.

Vẫn theo ông Khánh, đối với CPTPP, sau khoảng hơn 8 tháng kể từ khi có hiệu lực, chúng ta mới có đầy đủ các kế hoạch thực hiện của các tỉnh thành. Nhưng đến EVFTA, chỉ có khoảng 4 tháng thôi và đến UKVFTA chỉ chưa đến 2 tháng đã có kế hoạch thực hiện, cho thấy rằng việc các tỉnh, thành rất quan tâm và chú ý đến việc ban hành kế hoạch thực hiện. Bởi, chỉ có kế hoạch thực hiện chúng ta mới triển khai cụ thể được.

Trong khi đó về các báo cáo thực hiện, kết quả thực hiện thì chúng tôi ghi nhận ngày càng tích cực hơn. Chẳng hạn trước đây các báo cáo đầu tiên chúng tôi nhận được năm 2020, tức là một năm sau khi CPTPP có hiệu lực và nhiều báo cáo còn tương đối sơ sài, chung chung.

Thế nhưng năm 2021 khi chúng tôi có nhận thêm báo cáo của EVFTA, các số liệu hay các thông tin mà các tỉnh thành cung cấp đầy đủ hơn và đặc biệt nhiều tỉnh thành cũng đưa ra rất chi tiết đối với từng mặt hàng, hay đối với từng lĩnh vực nêu rõ họ đã hỗ trợ như thế nào. Chứng tỏ sự quan tâm của nhiều các tỉnh, thành đối với việc hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các FTA.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương

Về các biện pháp hỗ trợ, ông Khanh nhận thấy mặc dù các tỉnh đều có các biện pháp hỗ trợ từ việc đào tạo, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại hay hỗ trợ về chính sách. Nhưng theo ông Khanh, các hỗ trợ đấy áp dụng chung cho tất cả các ngành, các doanh nghiệp, tức là chưa đi sâu vào cụ thể những ngành nghề mà chúng ta cần tận dụng FTA, những ngành nghề mà thực sự là mặt hàng chiến lược, lĩnh vực chiến lược mà chúng ta có thể dựa vào đó để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hay là tăng trưởng tỷ lệ tận dụng.

Tất nhiên, nói đi cũng phải nói lại vì chúng ta cũng rất muốn hỗ trợ, nhưng có nhiều lý do chẳng hạn như nguồn lực và các vấn đề liên quan khác nên diễn tiến cũng cản trở trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các FTA.

Đánh giá một cách tổng quan, ông Khanh đưa ra quan điểm: Vai trò của các tỉnh, thành trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA là rất tích cực. Nếu không có vai trò của các tỉnh, thành thì chúng ta thấy rằng các kết quả của chúng đạt được trong thời gian vừa qua sẽ hạn chế.

Từ những đánh giá trên, ông Khanh khẳng định việc tăng trưởng xuất khẩu sang CPTPP, EVFTA, UKVFTA là công sức rất lớn từ các tỉnh, thành.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm