Hòa Bình: Cảnh báo rủi ro giao dịch tại 30 dự án bất động sản

Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình khuyến cáo không giao dịch tại hàng loạt dự án bất động sản nhằm đảm bảo minh bạch và phát triển lành mạnh ổn định của thị trường, tránh tình trạng các tổ chức, cá nhân huy động vốn, bán sản phẩm địa ốc trái quy định pháp luật.
Hòa Bình: Cảnh báo rủi ro giao dịch tại 30 dự án bất động sản

Theo đó, đứng đầu về số lượng là TP. Hòa Bình với 19 dự án, Lương Sơn 7 dự án, Đà Bắc 2 dự án, Kim Bôi 1 dự án, Yên Thủy 1 dự án.

Trong số 19 dự án tại TP. Hòa Bình, ghi nhận một số trường hợp quy mô đáng chú ý như: khu nhà ở Thăng Long Xanh (gần 99ha, do Liên danh Công ty CP Thăng Long Land – Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng – Công ty CP phát triển đô thị An Thịnh thực hiện), khu đô thị sinh thái cao cấp Yên Quang (khoảng 90ha, liên danh Công ty CP đầu tư thương mại dịch vụ quốc tế SEIKA – Công ty TNHH dịch vụ thương mại Nam Hà Nội – Công ty CP Vinaconex 39).

Trong số này, 2 liên danh có liên quan tới thương hiệu Lã Vọng Group cũng như doanh nhân Lê Văn Vọng (từng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo của Lã Vọng Group giai đoạn trước 2018) sở hữu 2 dự án: khu đô thị mới Trung Minh A (gần 84ha, Liên danh Công ty CP Tập đoàn đầu tư tài chính Việt Nam – Công ty CP thương mại Ngôi nhà mới) và khu đô thị mới Trung Minh B (gần 59ha, liên danh Công ty CP Lã Vọng Group – Công ty CP thương mại Ngôi nhà mới).

Thành lập tháng 3/2018, Công ty CP Tập đoàn đầu tư tài chính Việt Nam (VFI group) ban đầu có vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm: Lê Văn Vọng (nắm 99,9% vốn), Vũ Văn Thái và Hà Chí Luyện. Hiện ông Lê Văn Vọng giữ vị trí chủ tịch tại VFI group.

Lã Vọng Group được thành lập năm 2016, đăng ký địa chỉ trụ sở chính trùng với địa chỉ của Liên danh nhà đầu tư VFI Group - Ngôi nhà mới. Tại Lã Vọng Group, ông Lê Văn Vọng góp 300 tỷ đồng (chiếm 60% vốn điều lệ), cùng với các cổ đông khác là Lê Văn Hải và Đặng Thị Như Trang. Ông Vọng đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Tới đầu năm 2018, ông Lê Văn Vọng cùng các cổ đông khác đã thoái toàn bộ vốn tại Lã Vọng Group.

Bên cạnh đó, 3 trường hợp liên quan trực tiếp tới Tập đoàn Geleximco gồm: khu dân cư nông thôn và tái định cư (khoảng 3,4ha do Geleximco làm chủ đầu tư), khu đô thị mới Hòa Bình – Geleximco (khoảng 31ha) và khu đô thị sinh thái Trung Minh – Geleximco (khoảng 60ha) cùng do liên danh Tập đoàn Geleximco - Công ty CP Đầu tư tổng hợp Hà Nội sở hữu, phát triển.

Tại huyện Lương Sơn, liên danh Công ty CP Tập đoàn IUC – Công ty CP Xây dựng số 7 sở hữu 2 dự án gồm: khu nhà ở nghỉ dưỡng và dịch vụ tổng hợp (khoảng 9ha), khu dân cư tại tiểu khu I (khoảng 10ha).

Ngoài ra, 6 dự án bị cảnh báo giao dịch (mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án đấu giá quyền sử dụng đất) gồm: khu biệt thự nhà vườn, trồng rừng kết hợp sinh thái tại xã Mông Hóa (Wellham ChanLake tại Hồ Dụ), Sakana Spa&Resort Hòa Bình (Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng ngoại ô), khu vui chơi giải trí cao cấp suối khoáng Kim Bôi (Công ty CP Thương mại và du lịch Kim Bôi), khu du lịch thiên nhiên Robinson tại huyện Đà Bắc (Công ty CP đầu tư du lịch Hòa Bình), khu nhà ở cao cấp dầu khí Hòa Bình (Công ty CP đô thị sinh thái dầu khí).

Đặc biệt, nhiều dự án dân cư, đô thị nghỉ dưỡng được một số tên tuổi lớn đầu tư trên toàn địa bàn Hòa Bình mới đang ở trạng thái đủ điều kiện huy động vốn, nhưng chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản.

Cụ thể, khu nhà ở Riverview Lương Sơn của Công ty CP 873 – xây dựng công trình giao thông (dự án mới có chủ trương của UBND tỉnh cho phép chuyển nhượng), khu dân cư thị trấn Mường Khến của liên danh Công ty CP Đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn – Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ), shophouse tại TP. Hòa Bình (Công ty CP Xây dựng Sao Vàng), khu dân cư núi Đầu Rồng tại huyện Cao Phong (chủ đầu tư Công ty CP May – Diêm Sài Gòn).

Có thể bạn quan tâm