Liên danh trên đã đề xuất dự án Tổ hợp Du lịch văn hóa – Vui chơi giải trí – Nghỉ dưỡng PARADISO Hòa Bình với các hạng mục chính gồm: Sân golf 27 lỗ; Khu Resort làng Phú Ông (160 phòng), Khu Resort Onsen Nhật Bản (280 phòng), Làng văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam; Trường quản lý khách sạn quốc tế Imperial.
Theo đó, các hạng mục chi tiết của dự án PARADISO Hòa Bình, các công trình xây dựng cho khách nghỉ bao gồm: Sân Golf, Khu du lịch văn hóa ẩm thực truyền thống; Trung tâm hội nghị; Resort; Trường đào tạo quản lý khách sạn quốc tế mang sắc thái kiến trúc truyền thống các dân tộc Việt Nam. Kiến trúc tổng thể của dự án tạo nên một khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng có cảnh quan kiến trúc hài hòa gắn liền với thiên nhiên nhằm mục đích tạo không gian xanh, thanh bình cho khu nghỉ dưỡng.
Trong các hạng mục của PARADISO Hòa Bình, dự kiến chi tiết của hoạt động của các cơ sở thể thao là xây dựng kinh doanh sân Golf và các dịch vụ liên quan đến sân Golf.
Theo đề xuất của Liên danh Công ty Cổ phần Nước Aqua One và Công ty Cổ phần Lạc Việt gửi tỉnh Hòa Bình ngày 10/5/2019, dự án PARADISO Hòa Bình sẽ có tổng diện tích sử dụng là 194,12 ha. Trong đó, sân Golf 27 lỗ chiếm 526.600 m2; Khu Resort làng Phú Ông là 432.700 m2; Khu Resort Onsen Nhật Bản 711.000 m2; Làng văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam chỉ có 203.900 m2; Trường quản lý khách sạn quốc tế Imperial chiếm 67.000 m2.
Nguồn gốc đất dự kiến xây khu Nghỉ dưỡng PARADISO
Sân golf 27 lỗ, dự kiến được xây dựng trên khu đất có diện tích 526.600 m2, đây được coi là trái tim của dự án được xây dựng trên cơ sở tận dụng địa hình đồi núi thấp và hồ cảnh quan. Từ Sân golf, các công trình kiến trúc khác được xây dựng xung quanh tạo thành một tổ hợp vui chơi, giải trí chất lượng quốc tế để phục vụ du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, vui chơi và nghỉ dưỡng.
Thời gian sử dụng đất cho tất cả các hạng mục của dự án trên là 50 năm kể từ khi các cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện. Dự án có tổng vốn đầu tư là 2.500 tỷ đồng, trong đó vốn huy động là 1.800 tỷ đồng (chiếm 72% tổng dự toán), thời gian thực hiện trong 7 năm (từ 2019 đến 2025).
Dự kiến, tổng doanh thu của toàn dự án là 565.56 tỷ/năm, trong đó doanh thu từ kinh doanh sân Golf là 180 tỷ/năm, chi phí bỏ ra là 409.3 tỷ đồng/năm, lợi nhuận sau thuế mỗi năm ước đạt 156.2 tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn của dự án là 16 năm tương ứng 192 tháng.
Về nguồn gốc đất của dự án trên, đất xây dựng chủ yếu là đất rừng sản xuất và một phần đồng ruộng sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Cụ thể, hiện trạng sử dụng đất là đất rừng sản xuất, trồng cây lâu năm, đất mặt nước, đất bằng chưa sử dụng, đất giao thông, đất nghĩa trang, nghĩa địa, đất kênh rạch, song ngòi, suối và đất lúa một vụ không cho năng suất do UBND và nhân dân xã Cao Răm, huyện Lương Sơn quản lý.
Cơ sở pháp lý xác định khu đất là biên bản ghi nhớ đầu tư giữa UBND tỉnh Hòa Bình với liên danh Công ty Cổ phần nước Aquaone và Công ty Cổ phần Lạc Việt tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình năm 2018 ngày 11/12/2018.
Sân Golf phải đứng độc lập, không xâm phạm đất rừng, đất sản xuất Theo Quyết định số 1946 của Chính phủ ngày 26/9/2009 Về việc phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 có những quy định chi tiết nhiều vấn đề trong quy hoach và phát triển sân golf đến năm 2020. Tại Quyết định số 1946 của Chính phủ nêu rõ, các dự án sân golf không được sử dụng đất lúa, đất màu và đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp; khu đô thị; đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) và các dự án sân golf không được hỗ trợ tài chính từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng trong và ngoài các khu chức năng của các dự án golf. Ngoài ra Quyết định số 1946 của Chính phủ cũng chỉ rõ, việc xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động sân golf chỉ được sử dụng đất đã giao để xây dựng sân golf, không được sử dụng đất đã cấp làm sân golf xây dựng nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng. Dự kiến quy hoạch sân golf cả nước đến năm 2020 là 89 sân Quyết định số 1946 của Chính phủ ngày 26/9/2009 nêu rõ. |