Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi được xem là một bước đột phá để thu hút vốn nước ngoài.
Tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV, Luật chứng khoán sửa đổi dự kiến được thông qua, có hiệu lực từ 1/1/2021.
Việc xây dựng Luật chứng khoán (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, đảm bảo cho sự phát triển ổn định TTCK, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn, nâng cao tính minh bạch trên thị trường, nâng cao năng lực giám sát quản lý nhà nước đối với TTCK.
Cùng với các nội dung về Luật chứng khoán sửa đổi, tại phiên làm việc sáng nay của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Các ĐBQH cũng sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật chứng khoán (sửa đổi).
Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV hôm qua 21/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch năm 2020.
Thủ tướng khẳng định: "Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước".
Theo Thủ tướng, chúng ta đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa; đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước.
Chủ trương đúng đắn, lập trường chính nghĩa và các nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta đã nhận được sự đồng tình, chung sức của nhân dân cả nước và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Báo cáo Quốc hội tại phiên họp khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, năm 2019 Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu khu vực.
Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Với tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới; lạm phát dưới 3%. Mô hình tăng trưởng đã giảm dần sự phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 9 tháng đạt 14,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.