Việc xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của TTCK, đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với TTCK, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.
Một trong những thay đổi trong Dự thảo Luật Chứng khoán này là việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam.
Trong đó, nhằm triển khai việc mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện từng bước theo lộ trình, bảo đảm dư địa cho các Bộ ngành trong đàm phán và ký kết các thỏa ước quốc tế; Dự thảo Luật quy định nguyên tắc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư, hoạt động trên TTCK Việt Nam tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Chính phủ được giao hướng dẫn cụ thể về quy định này, thay vì quy định chi tiết tại dự thảo Luật tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài như nội dung chính sách đề nghị xây dựng Luật.
Ngoài ra, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ cũng được Dự thảo luật hóa, bổ sung quy định này, thể hiện rõ việc thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO trong lĩnh vực chứng khoán.
Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng sửa đổi những quy định về chào bán chứng khoán. Theo đó, điều kiện chào bán được sửa đổi, bổ sung, chuẩn hóa theo hướng chặt chẽ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng chính sách thông thoáng để phát hành với giá trị quá lớn, tiềm ẩn rủi ro đối với các nhà đầu tư và sử dụng vốn không đúng mục đích.
Trong đó, đáng chú ý nhất là việc các doanh nghiệp dự thảo Luật đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc trong trường hợp giá giao dịch trên sàn thấp hơn mệnh giá (10.000 đồng/cp), giá chào bán do tổ chức phát hành phối hợp với tổ chức bảo lãnh phát hành (nếu có) xác định trên cơ sở nhu cầu của thị trường.
Đồng thời, để tạo cơ sở pháp lý hướng dẫn việc chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá của tổ chức phát hành, dự thảo Luật giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể việc chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá. Pháp luật về kế toán hiện nay cũng đã có quy định về hạch toán kế toán trong trường hợp doanh nghiệp chào bán cổ phiếu mà giá chào bán thấp hơn mệnh giá.
Ngoài các sửa đổi về chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán trái phiếu ra công chúng, chào bán chứng khoán riêng lẻ …, một nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi lần này là việc tăng quyền hạn cho UBCKNN và chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính về chứng khoán.
Một số quyền cho UBCKNN được thêm như: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra; Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và TTCK; Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm.
Quy định của dự thảo Luật đã khắc phục hạn chế của Luật hiện hành, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế, phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán đạt hiệu quả, bảo đảm phù hợp với các luật khác có liên quan như Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Viễn thông...
Để có chế tài đủ mạnh, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường, dự thảo Luật quy định mức phạt tối đa theo hướng: đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính minh bạch, an toàn của thị trường như thao túng thị trường, giao dịch nội bộ... thì mức phạt tiền tối đa là mười (10) lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và năm (5) lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân; đối với các hành vi vi phạm khác quy định mức phạt tiền tối đa là 03 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
>> Sửa Luật Chứng khoán: Đưa thị trường tiệm cận với thông lệ quốc tế