Tăng vốn ồ ạt và cục tiền ngàn tỷ “ngủ yên” nhiều năm
Khoản tiền và tiền gửi của CTCP Đầu Tư Dịch Vụ Hoàng Huy (HOSE: HHS) bắt đầu xuất hiện với số lượng lớn trên BCTC từ năm 2014. Cụ thể, tính đến cuối 31/12/2014, tổng tài sản của HHS tăng gấp đôi từ mức 679 tỷ đồng hồi đầu năm lên mức 1.441 tỷ đồng.
Trong đó, tài sản ngắn hạn tăng gấp 2,5 lần trong đó chủ yếu thay đổi đến từ mục tiền, tương đương tiền và đầu tư ngắn hạn (khoản tiền gửi có kỳ hạn), tăng gấp 5 lần hồi đầu năm 2014, ở mức 955 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015, con số này (tiền và tiền gửi) đã vượt mức 1,171 tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2014, 2015, HHS đã liên tục thực hiện các đợt tăng vốn. Riêng năm 2014, HHS phát hành tổng cộng hơn 19 triệu cp, trong đó có hơn 7,6 triệu cp trả cổ tức và chào bán 11,5 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. HHS cho biết đã sử dụng toàn bộ số tiền này để bổ sung vốn lưu động nhập khẩu xe.
Riêng trong quý I/2015, Công ty đã phát hành gần 48 triệu cp để hoàn đổi tỷ lệ 1:1 với CTCP Phát triển Dịch vụ Hoàng Giang. Đồng thời, HHS cũng phát hành hơn 5,7 triệu cp trả cổ tức 2014, tỷ lệ 10% và hơn 11 triệu cp trả cổ tức 2015, tỷ lệ 10%. Sau đó vào tháng 10/2015, HHS tiếp tục phát hành gần 111 triệu cp với giá 11.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ gấp đôi lên mức 2.331 tỷ đồng và thu về khoản tiền gần 1.221 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động.
Cơ cấu tài sản của HHS qua các năm
Chưa dừng lại ở đó, năm 2016, HHS tiếp tục chào bán riêng lẻ 30 triệu cp cho 3 tổ chức với giá 10.500 đồng/cp và phát hành 11 triệu cp trả cổ tức, tăng vốn điều lệ lên 2.747 tỷ đồng. Cùng với đó, khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn của HHS cũng tăng mạnh lên 1.654 tỷ đồng.
Như vậy chỉ trong 3 năm, HHS đã tăng vốn gấp 7 lần và lên đến con số 2,747 tỷ đồng, với mức tổng tài sản gần 3.198 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 6/2017). Điểm đáng chú ý là chỉ tính riêng khoản tiền và tiền gửi của HHS chiếm tới 57% cơ cấu tài sản, lên tới 1,811 tỷ đồng. Giá trị khoản tiền và tiền gửi của HHS đã tăng dần suốt thời gian mà HHS tăng vốn.
Trong giai đoạn 2014-2016, HHS cũng ghi nhận mức lợi nhuận khá cao. Năm 2014, HHS đạt lãi ròng gần 136 tỷ đồng, và tiếp tục ghi nhận lãi đột biến 481 tỷ đồng cao kỷ lục từ khi niêm yết trong năm 2015. Năm 2016, lãi ròng giảm 71% về mức 138 tỷ đồng.
Nửa đầu 2017, HHS đạt doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt ở mức 702 tỷ và 24,7 tỷ đồng, giảm 26% và 70% so với cùng kỳ.
Đi tìm đích đến cho cả ngàn tỷ đồng?
Tính đến thời điểm 30/06/2017, HHS đang có trong tay 781 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và hơn 1.030 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn tại ngân hàng. Như vậy, tính riêng trênmỗi cổ phiếu HHS “giữ” 6.529 đồng tiền VND.
Với mức tổng tài sản gần 3.198 tỷ đồng, trong khi không có nợ vay tài chính và nợ phải trả chỉ ở mức 106 tỷ đồng, giá trị sổ sách của HHS ước đạt 11.250 đồng/cp. Tuy nhiên, trên thực tế, thị giá HHS lại chỉ dao động quanh mức 4.000 đồng/cp, tương đương với mức vốn hóa thị trưởng gần 1.300 tỷ đồng.
Quay về quá khứ, thị giá HHS bất ngờ “đổ đèo” trong thời gian dài từ tháng 10/2015, sau khi HHS hoàn thành phát hành 111 triệu cp cho cổ đông hiện hữu tăng vốn lên gấp đôi. Từ mức đỉnh 30.500 đồng/cp, thị giá HHS bắt đầu lao dốc suốt trong 2 năm sau đó và rơi về quanh mức 4.000 đồng/cp vào cuối năm 2016. Tính đến phiên ngày 07/08, thị giá HHS hiện đang giao dịch ở mức 4.800 đồng/cp.
Trong thời gian này, HHS đã tiến hành mua lại 5 triệu cp quỹ nhằm “cứu giá” cổ phiếu nhưng cũng không tạo được ảnh hưởng rõ rệt. Ở một khía cạnh khác, CTCP Đầu Tư Dịch Vụ Tài Chính Hoàng Huy (HOSE: TCH) – doanh nghiệp cùng chủ với HHS (ông Đỗ Hữu Hạ và con trai nằm trong HĐQT) đã liên tục mua vào cổ phiếu HHS với mức giá thị trường và hiện đã sở hữu trên 36% vốn của HHS.
Trở lại với câu chuyện tài sản của HHS, với khoản tiền lên tới hơn 1.800 tỷ đồng nhưng câu hỏi đặt ra là HHS sẽ làm gì với số tiền này trong tương lai, hay tiếp tục bỏ ngân hàng lấy lãi?
Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra cuối tháng 3/2017, trước tình trạng cổ phiếu ở mức giá quá thấp so với mệnh giá và giá trị sổ sách, cổ đông đã kiến nghị HHS sử dụng số tiền để mua cổ phiếu quỹ nhằm hỗ trợ thị giá. Ghi nhận ý kiến của cổ đông, nhưng việc thực hiện mua cổ phiếu quỹ lại được Ban lãnh đạo bỏ ngỏ.
Ông Đỗ Hữu Hạ - Chủ tịch HĐQT của HHS cho biết, định hướng của Công ty sẽ đầu tư vào các dự án bất động sản năm 2017, 2018. Trong đó, HHS sẽ thực hiện các giai đoạn tiếp theo của dự án Pruksa Town với quy mô hơn 20ha tại Tp. Hải Phòng và kết hợp với CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (HOSE: TCH) thực hiện các dự án tái định cư, đầu tư các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp mức giá khoảng tầm 500 triệu đồng.
Dù vậy, quý II/2017 đã trôi qua và khoản tiền ngàn tỷ của HHS vẫn nằm nguyên chỗ. Đây là sự thận trọng của doanh nghiệp hay sự lãng phí khi không biết sử dụng đồng tiền hợp lý?
Việc doanh nghiệp huy động vốn khủng cho hoạt động kinh doanh nhưng lại để những đồng tiền của cổ đông “mọc cỏ” trong tài khoản của Công ty và Ngân hàng khiến nhà đầu tư và thị trường đặt ra câu hỏi về cách thức doanh nghiệp huy động và sử dụng đồng vốn của cổ đông.
Theo Nhất Thế/NĐH
>> Tài chính Hoàng Huy mục tiêu lãi 420 tỷ đồng, cổ tức 10% tiền mặt