TTCK phục hồi tích cực
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT HNX, 9 tháng năm 2017, kinh tế Việt Nam có nhiều diễn biến tích cực như: lạm phát tiếp tục được kiểm soát, thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định; GDP tăng 6,41% so với cùng kỳ năm 2016. TTCK Việt Nam đã ghi nhận sự phục hồi tích cực: các chỉ số của cả 2 Sở GDCK đều tăng mạnh, VN Index đạt 810 điểm, mức cao nhất trong 9 năm qua; HNX Index đạt 107,66 điểm, vượt mốc 100 điểm kể từ tháng 2-2011.
Tổng giá trị vốn hóa TTCK đạt hơn 2,5 triệu tỷ đồng, xấp xỉ 60% GDP, tăng 610.600 tỷ đồng (tăng 37,15%) so với thời điểm cuối năm 2016; dư nợ trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 33% GDP; quy mô giao dịch, mức độ thanh khoản đạt hơn 12.500 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước; thị trường UPCoM với số lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch tăng 87% so với cùng kỳ, giá trị vốn hóa tăng gần 65%, đạt 478.000 tỷ đồng.
TTCK phái sinh tăng trưởng tốt và ổn định, thanh khoản tập trung vào các hợp đồng ngắn hạn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tổng khối lượng giao dịch trong tháng 9 đạt 131.903 hợp đồng (tương đương giá trị giao dịch 10.299 tỷ đồng), tăng 127% so với tháng 8. Giá trị giao dịch bình quân phiên 515 tỷ đồng, tăng 89% so với tháng 8... Số lượng tài khoản cuối tháng 9 đạt 9.679 tài khoản, tăng 34% so với cuối tháng 8.
Cũng theo ông Long, bên cạnh các chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, các giải pháp của Bộ Tài chính còn có sự chủ động và nỗ lực của các thành viên thị trường và các Sở GDCK đã tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp chiến lược đã được xây dựng trong 2014-2016.
HNX đã cùng các thành viên thị trường có nhiều nỗ lực, chủ động triển khai nhiều giải pháp lớn theo hướng nâng cao chất lượng để mang lại những bước phát triển mới cho TTCK như: ban hành quy chế tạo lập thị trường có hiệu lực từ ngày 1-7 với kỳ vọng khi được nhiều thành viên tham gia, cơ chế này sẽ thúc đẩy thanh khoản trên thị trường cổ phiếu của HNX, đồng thời tạo thêm điều kiện cho các doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư; chính thức khai trương và đưa vào hoạt động TTCK phái sinh từ ngày 10-8…
Khởi sắc hoạt động của CTCK
Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng, cũng nhìn nhận, diễn biến thuận lợi của nền kinh tế đang có tác động tích cực và mạnh mẽ đến TTCK Việt Nam, thể hiện qua chỉ số chứng khoán tăng mạnh, vốn hóa thị trường… Đi cùng với đó là những tín hiệu khả quan trong hoạt động của các thành viên thị trường.
Doanh thu của các CTCK tăng mạnh trên tất cả các mảng hoạt động, số lượng CTCK có lãi tăng so với 6 tháng đầu năm 2016. Cụ thể, có 60/85 CTCK hoạt động có lãi với tổng giá trị lãi 3.060 tỷ đồng so với con số 52 công ty trong năm 2016. Số lượng CTCK có lãi lũy kế tăng so với 30-6-2016. Cụ thể, có 41 CTCK có lãi lũy kế so với số lượng 37 CTCK của năm 2016. Tình hình tài chính các CTCK đang dần được cải thiện, phần lớn CTCK có tỷ lệ an toàn tài chính lớn hơn 180% (hiện chỉ có 2 CTCK có tỷ lệ dưới 180%).
Các CTCK đã tự tiến hành tái cấu trúc, thông qua các biện pháp như: thâu tóm sáp nhập (M&A) hay chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông mới. Trong đó, đáng chú ý là có nhiều cổ đông nước ngoài mới là các tổ chức kinh doanh chứng khoán lớn, có uy tín trên thế giới và trong khu vực tham gia sở hữu trên 51% vốn của các CTCK Việt Nam. Công tác quản trị doanh nghiệp, kiểm soát rủi ro của các CTCK ngày càng được chú trọng và nâng cao.
Tuy nhiên, theo ông Dũng bên cạnh những điểm tích cực vẫn còn một số mặt hạn chế trong hoạt động của các CTCK đã tồn tại qua nhiều năm. Đó là, đa phần CTCK vẫn đang tiếp tục khắc phục các khoản thua lỗ những năm trước đây. Cụ thể, hơn 50% số lượng công ty vẫn có lỗ lũy kế đến 30-6, trong đó vẫn còn những công ty có lỗ lũy kế trên vốn điều lệ hơn 50%. Nhiều CTCK hoạt động thua lỗ kéo dài nhiều năm dẫn tới vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn pháp định; một số CTCK còn vi phạm quy định về hoạt động giao dịch ký quỹ, hạn chế tỷ lệ đầu tư và giao dịch, thông tin công bố còn chưa kịp thời, chất lượng quản trị công ty, quản trị rủi ro còn chưa cao…
Ông Dũng cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, UBCKNN vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp cải cách mạnh mẽ nhất về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ các công ty trong quá trình tái cấu trúc, nâng cao năng lực về vốn cũng như quản trị rủi ro, quản trị công ty và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ của CTCK.
Hấp dẫn TTCK phái sinh
Liên quan đến TTCK phái sinh, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc HNX, sau 2 tháng vận hành, hệ thống hoạt động thông suốt, ổn định, không phát sinh lỗi và kết quả giao dịch đáng khích lệ. Tuy nhiên, số CTCK tham gia còn hạn chế; tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài còn thấp.
Để TTCK phái sinh hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia hơn nữa, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Duy Linh - Phó giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán phụ trách khách hàng cá nhân của SSI, cho rằng cần có quy định cụ thể để các ngân hàng toàn cầu như: HSBC, Deutsche Bank. Citibank… hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền tham gia giao dịch; đa dạng sản phẩm, hàng hóa trên TTCK phái sinh; xây dựng cơ chế khuyến khích hoạt động nhà tạo lập thị trường… Ông Linh cũng dự báo, nếu nhìn vào số lượng tài khoản mở mới tại SSI thời gian tới, số lượng tài khoản đăng ký giao dịch phái sinh sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Còn ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng Giám đốc CTCK TPHCM (HSC), cho rằng với gần 100% giao dịch trên thị trường là của nhà đầu tư cá nhân, giao dịch của các tổ chức còn mờ nhạt. Vì vậy, để khuyến khích các nhà đầu tư tổ chức, cần có hướng dẫn cụ thể về ngân hàng giám sát nhằm tạo thuận lợi cho các quỹ tham gia, nâng cao chất lượng chỉ số VN30…
“Hiện nay tại HSC có 1.000 tài khoản của nhà đầu tư nhưng mới chỉ có 15% có giao dịch. Điều này cho thấy tiềm năng để phát triển TTCK phái sinh, thu hút hơn nữa nhà đầu tư tham gia là rất cao” - ông Giang nhận định.
Theo Hà My/ Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính
>> Hủy niêm yết và trở lại: “Mỗi nhà mỗi cảnh”