Hợp sức cho thị trường nâng hạng

TTCK trong nước có quy mô ngày càng tăng trưởng, chất lượng hàng hóa được củng cố. Cùng với những giải pháp căn bản hướng tới sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường, mục tiêu được nâng hạng
Hợp sức cho thị trường nâng hạng

Đã đáp ứng các tiêu chuẩn định lượng

Trên thế giới hiện có một số tổ chức lớn về xếp hạng thị trường chứng khoán như S&P Global (Standard&Poor’s Global), FTSE (Financial Times Stock Exchange), MSCI (Morgan Stanley Capital International).

Một trong các chỉ số nổi tiếng nhất là chỉ số thị trường mới nổi (MSCI EM Index) của MSCI, theo dõi hoạt động trên thị trường cổ phiếu của một số nước phát triển và khu vực.

Hiện tại, các chỉ số của MSCI được nhiều nhà đầu tư tham chiếu với tổng giá trị tài sản hơn 10.000 tỷ USD, trong đó 1.600 tỷ USD tham chiếu đến chỉ số MSCI EM Index. Do đó, việc MSCI nâng từ mức cận biên (Frontier) lên mới nổi (Emerging) nếu diễn ra sẽ có tác động rất lớn đến hình ảnh thị trường chứng khoán Việt Nam.

Vậy thị trường chứng khoán Việt Nam cần những yếu tố gì để được nâng hạng?

Có hai tiêu chuẩn lớn được MSCI đưa ra xem xét để nâng hạng một thị trường từ cận biên lên mới nổi. Một là yêu cầu về quy mô và thanh khoản của thị trường, bao gồm các tiêu chí định lượng như số doanh nghiệp đạt chuẩn về quy mô doanh nghiệp, quy mô giao dịch cổ phiếu và thanh khoản.

Hai là tiêu chuẩn về tiếp cận thị trường, đây là các tiêu chí định tính, phụ thuộc vào đánh giá của khách hàng cũng như chính MSCI, bao gồm 5 nội dung: mở cửa thị trường với sở hữu nước ngoài; mức độ thuận lợi cho dòng vốn vào - ra; hiệu quả của các khuôn khổ hoạt động; môi trường cạnh tranh và sự ổn định của cơ cấu, tổ chức.

Ở tiêu chuẩn quy mô và tính thanh khoản của thị trường, một quốc gia được coi là thị trường mới nổi phải có ít nhất 3 công ty thỏa mãn các điều kiện sau: Quy mô công ty (giá trị vốn hóa) đạt 1.594 triệu USD; quy mô giao dịch cổ phiếu (giá trị vốn hóa tự do chuyển nhượng) đạt 797 triệu USD; thanh khoản của cổ phiếu bình quân hàng năm đạt 15% giá trị vốn hóa tự do chuyển nhượng (ATVR 15%).

Tại thời điểm tháng 6/2018, Việt Nam đã có 7 doanh nghiệp đạt tất cả các tiêu chuẩn trên, nhiều hơn mức yêu cầu của MSCI.

Xét riêng về tiêu chí quy mô doanh nghiệp, Việt Nam có 22 doanh nghiệp đạt tiêu chí này. Về quy mô chứng khoán (vốn hóa của chứng khoán lưu hành), Việt Nam có 16 doanh nghiệp đạt tiêu chí. Về thanh khoản chứng khoán, Việt Nam có 276 doanh nghiệp đạt tiêu chí.

Như vậy, các tiêu chí định lượng không phải trở ngại với Việt Nam. Tuy nhiên, nhóm tiêu chí định tính vẫn cần tiếp tục xem xét trong quá trình nâng hạng của thị trường Việt Nam.

Theo Báo cáo xếp hạng thị trường của MSCI công bố tháng 6/2018, thị trường Việt Nam còn cần cải thiện 3/5 vấn đề trong tiêu chuẩn về tiếp cận thị trường.

Các tiêu chí Việt Nam cần phải cải thiện, theo MSCI, là luồng thông tin (không phải tất cả các thông tin đều đầy đủ bằng tiếng Anh); thanh toán và bù trừ (không có trung tâm thanh toán bù trừ chính thức và trung tâm lưu ký đóng vai trò là đại lý thanh toán bù trừ, không có các phương tiện thấu chi và có quy định phải ký quỹ giao dịch); các giao dịch ngoài sàn và các giao dịch chuyển nhượng không đi kèm thanh toán tiền phải được sự chấp thuận trước của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; chưa có quy định về cho vay, bán khống chứng khoán.

Có thể nói, nhiều đánh giá của MSCI vẫn còn chưa thật sự cập nhật với các thay đổi gần đây của thị trường chứng khoán Việt Nam như các đánh giá về thanh toán bù trừ, khả năng chuyển nhượng chứng khoán… Điều này cho thấy vấn đề truyền thông đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư có tổ chức vẫn chưa thực sự chủ động và bài bản.

Hợp sức cho mục tiêu nâng hạng

Qua 18 năm ra đời và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Tổng quy mô thị trường (bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu) đến thời điểm cuối tháng 9 đạt gần 5,341 triệu tỷ đồng, tương đương 106,65% GDP.

Niềm tin của nhà đầu tư với thị trường ngày càng tăng, thể hiện qua việc gia tăng về số lượng tài khoản (tính đến ngày 30/9/2018 đạt gần 2,1 triệu tài khoản, tăng 8,8% so với cuối năm 2017; trong đó tài khoản nhà đầu tư nước ngoài tăng 19% so với cuối 2017) song song với sự gia tăng về thanh khoản (tăng 60% từ mức 3.000 tỷ đồng/phiên năm 2016 lên mức 5.198 tỷ đồng/phiên vào tháng 8/2018).

Tính từ đầu năm 2000 đến tháng 6/2018, thị trường chứng khoán đã giúp doanh nghiệp và Chính phủ huy động hơn 2,1 triệu tỷ đồng thông qua nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, Chính phủ đã huy động được hơn 1,6 triệu tỷ đồng; doanh nghiệp đã huy động được 551.000 tỷ đồng thông qua đấu giá cổ phần hoá và phát hành cổ phiếu, trái phiếu (riêng 6 tháng đầu năm, huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 11.000 tỷ đồng).

Những kết quả trên cho thấy thị trường chứng khoán bắt đầu song hành với thị trường tín dụng ngân hàng trong cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế. Để đạt được những thành quả đó, bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý là cả những chuyển biến tích cực từ phía doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn dễ bị tác động bởi các điều kiện kinh tế, diễn biến thị trường tài chính thế giới. Bên cạnh đó, chất lượng quản trị công ty còn thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực.

Các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở mức tuân thủ các quy định và cần chủ động hơn trong việc hướng tới việc cải thiện chất lượng quản trị để nâng cao hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông. Việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài của công ty đại chúng gặp nhiều khó khăn do vướng mắc từ pháp luật chuyên ngành và pháp luật đầu tư…

Ngoài ra, nhiều yếu tố khác cần được tiếp tục cải thiện để phục vụ cho mục tiêu nâng hạng thị trường như mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, giảm thiểu sự can thiệp hành chính của nhà nước vào hoạt động doanh nghiệp; cải thiện độ mở của thị trường đối với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư quốc tế; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp...

Đây là những công việc cần sự nỗ lực và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.

Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán theo hướng giải quyết các vướng mắc hiện hành với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; nâng cao thẩm quyền của cơ quan quản lý trong việc quản lý, giám sát và xử lý vi phạm trên thị trường; nâng cao chất lượng quản trị công ty; công bố thông tin; bổ sung nguyên tắc áp dụng báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế, công bố thông tin bằng tiếng Anh...

Thứ hai, đa dạng và nâng cao chất lượng hàng hóa, thông qua đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch; tăng cường kiểm tra, đặc biệt là giám sát quá trình tăng vốn và sử dụng vốn trước khi đăng ký giao dịch và niêm yết; tính minh bạch các thông tin trong báo cáo tài chính của các công ty đại chúng...

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Ủy ban sẽ nghiên cứu phát triển theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời nghiên cứu, triển khai mô hình, cơ chế và hạ tầng công nghệ, kỹ thuật cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp; đưa sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (CW), hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ vào giao dịch trong năm 2018.

Thứ ba, phát triển cơ sở nhà đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Tăng cường phát triển cơ sở các nhà đầu tư chuyên nghiệp thông qua việc phát triển các quỹ đầu tư chứng khoán; duy trì, giữ mối quan hệ chặt chẽ, tổ chức đối thoại thường xuyên, định kỳ với thành viên thị trường... để tìm hiểu về các vướng mắc, kiến nghị của các nhà đầu tư, từ đó đưa ra các giải pháp chính sách phù hợp.

Thứ tư, tăng cường tính minh bạch: Tăng cường giám sát chất lượng của các công ty kiểm toán khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của công ty đại chúng; chất lượng hồ sơ tư vấn phát hành, niêm yết của công ty chứng khoán; nâng cao trách nhiệm của công ty đại chúng thông qua áp dụng các thông lệ tốt về quản trị công ty theo Nghị định 71/2017/NĐ-CP...

Thứ năm, tái cấu trúc các tổ chức tham gia thị trường: Tiến hành phân loại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo chất lượng tài chính và khả năng cung cấp dịch vụ; thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam trên cơ sở hợp nhất 2 sở giao dịch chứng khoán và phát triển, phân định các khu vực thị trường để nâng cao vị thế của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam trong khu vực ASEAN; Nghiên cứu áp dụng mô hình thanh toán đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho cả các giao dịch trên thị trường cơ sở theo thông lệ.

Thứ sáu, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm: Tăng cường giám sát, phát hiện và xử phạt nghiêm các vi phạm về thao túng, nội gián, gian lận, minh bạch thông tin.

Nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam được đánh giá là khá tích cực, khi có tốc độ tăng trưởng GDP nằm trong top cao nhất tại khu vực Đông Nam Á và châu Á cùng khả năng thu hút FDI tốt, bên cạnh chính sách điều hành linh hoạt và kiên định của Chính phủ đã khiến lạm phát, tỷ giá và lãi suất được giữ ở mức ổn định.

Cùng với đó là thị trường chứng khoán có quy mô ngày càng tăng trưởng, đặc biệt qua các đợt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chất lượng hàng hóa ngày càng được củng cố, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục duy trì khá, mặt bằng định giá giảm về mức tương đối hấp dẫn. Những yếu tố này cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn riêng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với những giải pháp căn bản hướng tới sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán, kỳ vọng mục tiêu nâng hạng không còn xa.

Theo Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Đặc san Toàn cảnh doanh nghiệp niêm yết 2018

Có thể bạn quan tâm

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

Nasdaq và S&P 500 đã khép lại phiên giao dịch thứ Hai với mức tăng nhẹ, hồi phục một phần tổn thất sau nhiều phiên giảm trước đó. Các nhà đầu tư hiện đang háo hức chờ đợi báo cáo lợi nhuận quý của Nvidia…

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

Sau khi nâng vốn lên 19.613 tỷ đồng, TCBS vươn lên vị trí dẫn đầu trong ngành chứng khoán về vốn điều lệ, vượt qua Chứng khoán SSI. Tuy nhiên, “ngôi vương” này có thể sẽ sớm đổi chủ khi SSI đang triển khai chào bán 151,1 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 18.130 tỷ đồng lên 19.641 tỷ đồng...

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Đồng USD mạnh lên có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam để quay lại thị trường Mỹ. Điều này có thể dẫn đến việc chiết khấu định giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tương tự như những gì xảy ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump...

Xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về chiều giảm

Xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về chiều giảm

Mặc dù xu hướng trung hạn đang là đi ngang nhưng xu hướng ngắn hạn vẫn tiếp tục nghiêng về chiều giảm. Nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ duy trì một vị thế nắm giữ ở mức an toàn và tránh các quyết định mua đuổi giá trong các nhịp hồi phục...