Phát triển nông nghiệp bền vững không thể chỉ làm một khâu như trồng trọt, chế biến, hay phân phối… Điều này yêu cầu cần phát triển bền vững trong cả chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và không thể thiếu vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp.
CẢ NƯỚC CÓ 20.309 HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến hết tháng 10/2023, cả nước có 95 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 20.309 hợp tác xã nông nghiệp, 34.555 tổ hợp tác. Dự kiến hết năm 2023, cả nước có 20.357 hợp tác xã.
Năm 2023, doanh thu bình quân của 1 hợp tác xã nông nghiệp dự kiến đạt khoảng 2,5 tỷ đồng/năm, đạt 100% mục tiêu kế hoạch đề ra. Lãi bình quân hợp tác xã nông nghiệp đạt 400 triệu đồng. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên hợp tác xã nông nghiệp đạt 52 triệu đồng/năm.
Tổng số thành viên tham gia hợp tác xã nông nghiệp khoảng 3.801 nghìn thành viên, khoảng 1.582 nghìn lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 365.000 lao động đồng thời là thành viên hợp tác xã.
Về chất lượng và hiệu quả hoạt động, cả nước có 1.931 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, tương ứng 13% và 12% tổng số hợp tác xã nông nghiệp cả nước.
Đặc biệt, đã có trên 4.339 hợp tác xã nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, bằng 24,5% tổng số hợp tác xã nông nghiệp, tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ là 5 - 7%.
Phát biểu tại diễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững”, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, nông nghiệp tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tập trung cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ tập trung phát triển theo hướng bền vững, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển nông nghiệp có trách nhiệm, chuyển từ ngành sản xuất sang phát triển nền kinh tế nông nghiệp…
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham gia xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật hợp tác xã; xây dựng Nghị định về hợp tác xã; tham mưu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi tại các Quyết định ban hành chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Đồng thời, Bộ cũng đang triển khai các chính sách, đề án, dự án, kế hoạch ưu tiên đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là quan tâm bao nhiêu nông dân trong khu vực hợp tác xã, càng nhiều nông dân tham gia vào hợp tác xã thì càng nhiều hộ được hưởng từ các chương trình hỗ trợ, trong đó có chiến lược phát triển bền vững.
“Nếu bình thường, hợp tác xã sinh ra là sửa đổi khiếm khuyết của thị trường, nhưng ở châu Á cứ 30 - 40 năm lại có một thế hệ hợp tác xã. Hợp tác xã là công cụ phát triển nông nghiệp bền vững, khắc phục được công nghệ, vốn, thị trường…”, ông Thịnh nêu quan điểm.
CƠ HỘI ĐAN XEN THÁCH THỨC
Hiện nay mô hình hợp tác xã đang có nhiều chính sách, cơ chế giúp thuận lợi phát triển kinh tế bền vững. Song song đó, vẫn còn những khó khăn buộc các hợp tác xã phải đối mặt trong xu thế mới như hiện nay.
Cũng tại diễn đàn TS. Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương đã chỉ ra 5 cơ hội phát triển cho các hợp tác xã khi chuyển đổi xanh.
Thứ nhất, Chính phủ đang có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Thứ hai, Nhà nước có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy, tạo cơ hội cho các hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi xanh. Cụ thể, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản…
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09 về “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/ 6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Thứ ba, trong tiến trình chuyển đổi xanh, các hợp tác xã nông nghiệp sẽ có cơ hội nâng cao năng lực quản trị, năng lực nội tại của mình thông qua việc đào tạo nâng cao trình độ của cán bộ và lao động.
Thứ tư, các hợp tác xã nông nghiệp sẽ có cơ hội chuyển đổi, áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường trong hoạt động nông nghiệp. Chuyển đổi xanh là xu hướng toàn cầu, ở đó các hợp tác xã nông nghiệp sẽ có cơ hội liên kết, hợp tác, tiếp cận mở rộng thị trường cả trong nước và quốc tế.
Thứ năm, chuyển đổi xanh thúc đẩy các hợp tác xã nông nghiệp gia tăng tiết kiệm chi phí thông qua việc giảm con giống, vật tư, nguyên liệu đầu vào, giảm tiêu hao, nâng cao lợi nhuận trong chuỗi giá trị nông nghiệp, mang lại lợi ích lớn hơn cho hợp tác xã và các thành viên.
Tuy nhiên, ông Hùng đánh giá, quá trình chuyển đổi xanh cũng mang đến nhiều thách thức cho các hợp tác xã nông nghiệp. Cụ thể, phát triển không đồng đều của hợp tác xã giữa các địa phương, vùng, miền, khiến các hợp tác xã khó hấp thụ được các cơ chế, chính sách chuyển đổi.
Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh trong nông nghiệp là quá trình hết sức khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm chính trị rất cao, trong khi không ít thành viên tham gia hoạt động của hợp tác xã còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong hợp tác xã.
Ngoài ra, năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế.
Mặt khác, tính liên kết trong nội bộ hợp tác xã còn rất yếu, các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến dẫn đến khả năng cạnh tranh dựa vào lợi thế quy mô kém.
GIẢI PHÁP ĐỂ GỠ KHÓ
Từ những phân tích trên, TS. Vũ Mạnh Hùng cho rằng để nâng cao hiệu quả quá trình chuyển đổi xanh của các hợp tác xã nông nghiệp cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đối với các hợp tác xã.
Cùng với đó, các cơ quan quản lý quan tâm hỗ trợ các hợp tác xã thực hiện tốt các chương trình, đề án về phát triển xanh, nhất là “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”; “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”; Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Hơn nữa, nên tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển hợp tác xã nông nghiệp.
Ngoài ra, cơ cấu lại nguồn lực thực hiện chính sách để đảm bảo nguồn lực được tập trung đúng và đủ cho các chính sách tạo động lực để hợp tác xã nông nghiệp tự thân phát triển bền vững như chính sách Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ mới đối với hợp tác xã, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường; tiếp cận vốn và Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã…
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và cơ quan quản lý, TS. Hùng cũng cho rằng, các hợp tác xã nông nghiệp cần nâng cao ý thức sản xuất, tiêu dùng có trách nhiệm. Việc sản xuất có trách nhiệm chính là thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững hoặc hướng tới bền vững và không làm hại tới môi trường.
“Chính là việc sử dụng hạn chế đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, là sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững như VietGAP hay các tiêu chuẩn thế giới, sản xuất bền vững tiến tới áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính”, Vụ trưởng bày tỏ.
Việc chế biến tiêu dùng cũng cần phải thay đổi, các doanh nghiệp chế biến cũng phải đảm bảo những yêu cầu tiêu chuẩn chế biến, các tiêu chuẩn để đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu…
Thêm vào đó, hợp tác xã cần tăng cường tính liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Đặc biệt, cần phải có sự liên kết không chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân mà cần có sự tham gia mạnh mẽ của thành phần khác như doanh nghiệp cung cấp đầu vào, ngân hàng và sự tham gia của Nhà nước.
Cuối cùng, hợp tác xã phải có những chính sách thiết thực hiệu quả, để hỗ trợ sự liên kết này thông qua ưu đãi về thương mại, tín dụng, khoa học công nghệ, bảo hiểm, đất đai hay hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng.