Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có công văn đề xuất một số giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 và sau năm 2030.
Thứ nhất, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình cấp có thẩm quyền xem xét cho phép Quốc hội ban hành “Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội”, để thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới” và trong nghị quyết thí điểm này.
Thứ hai, xem xét bổ sung khoản 9 (mới) Điều 5 “Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất” quy định “trường hợp sử dụng diện tích đất quốc phòng, đất an ninh đã được quy hoạch đưa ra khỏi đất quốc phòng, đất an ninh để thực hiện dự án thí điểm, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được chỉ định doanh nghiệp quân đội, công an (nếu có) hoặc doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có đủ điều kiện kinh doanh bất động sản theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản làm chủ đầu tư để thực hiện dự án nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân”.
Thứ ba, Bộ Xây dựng xem xét trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2024/NĐ-CP. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất, quy mô dân số lên tối đa 1,5 lần so với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”, để có thể tăng thêm khoảng 50% số lượng căn hộ nhà ở xã hội so với dự án nhà ở thương mại trên cùng quy mô diện tích đất dự án, để sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả cho mục đích phát triển nhà ở xã hội.
Thứ tư, Bộ Xây dựng xem xét trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bãi bỏ khoản 3 Điều 77 Nghị định 100/2024/NĐ-CP để cho phép Ngân hàng chính sách xã hội được cho vay ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, cá nhân xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở để cho thuê, để tuân thủ quy định tại Điều 25, Điều 26 và khoản 3 Điều 71 Nghị định 100/2024/NĐ-CP.
Thứ năm, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước xem xét trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định “lãi suất cho vay đối với hộ nghèo là 4,7%/năm áp dụng cho đối tượng hộ nghèo vay năm 2025 tại Ngân hàng chính sách xã hội”.
Từ đó, thực hiện chính sách “vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở tại Ngân hàng chính sách xã hội” quy định tại khoản 4 Điều 48 Nghị định 100/2024/NĐ-CP, theo đó người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay với “lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ”.
Thứ sáu, Bộ Xây dựng xem xét trình Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định “trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 3% và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 6%” để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê.
Thứ bảy, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi khoản 2 Điều 78 Nghị định 100/2024/NĐ-CP “quy định chuyển tiếp”, theo hướng cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư tại thời điểm Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP, Nghị định 35/2023/NĐ-CP mà “chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội thì chủ đầu tư được đề xuất thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội”.
Chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được đề xuất thực hiện theo một trong 3 phương thức, hoặc xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại, hoặc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại, hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội.
Thứ tám, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vào Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định công nhận “nhà trọ cho thuê dài hạn theo tháng, theo năm” cũng là một loại nhà ở xã hội, là “nhà ở riêng lẻ” do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng cho thuê, mà người thuê chủ yếu là công nhân, lao động, người nhập cư, để cho các chủ nhà trọ được hưởng chính sách “ưu đãi về tín dụng, về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân”.
Thứ chín, UBND các địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong việc phối hợp công tác của các sở, ngành, quận, huyện, thành phố trực thuộc để rút ngắn thời gian thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, trước hết là thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” và “phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500”.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch Đầu tư xem xét sửa đổi “tiêu chí” về “năng lực kinh nghiệm” của nhà đầu tư tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Do hiện nay, các địa phương đã “bác”, không chấp thuận cho doanh nghiệp tham gia đấu thầu dự án nhà ở xã hội (bị loại ngay từ “vòng gửi xe”) mặc dù doanh nghiệp đã có bề dày kinh nghiệm làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, chỉ vì cho rằng doanh nghiệp này không có kinh nghiệm làm nhà ở xã hội.
Cuối cùng, hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương bố trí đủ quỹ đất và thực hiện nhiều phương thức để tạo lập quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhất là tạo điều kiện để nhà đầu tư thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất và phương thức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.