Thị trường phía Nam ghi nhận sức bật mạnh mẽ từ các dự án lớn của những doanh nghiệp như An Gia, Nam Long, và Bcons... Đây không chỉ là động lực kinh tế khu vực mà còn phản ánh sự sôi động của ngành bất động sản Việt Nam trong giai đoạn mới.
DOANH NGHIỆP ĐẨY NGUỒN HÀNG, MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG
Trên website của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia cho biết, doanh nghiệp này đang lên kế hoạch ra mắt 3.000 căn hộ The Gió Riverside tại khu Đông TP.HCM trong quý 1/2025.
Ngoài kế hoạch ra mắt dự án The Gió Riverside, trong 2-3 năm tới, chủ đầu tư An Gia dự kiến triển khai thêm hai dự án trọng điểm tại TP.HCM là The Lá Village và Westgate 2.
Đồng thời, Bất động sản An Gia tiến hành kết nối, hợp tác với khoảng 30 đại lý phân phối để mở rộng các kênh phân phối, phục vụ kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2025 - 2026.
“Công ty xác định các đối tác, đại lý phân phối không chỉ là người bạn đồng hành quan trọng mà còn là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của dự án The Gió Riverside. Đồng thời, khẳng định cam kết về các chính sách hợp tác minh bạch cho các đối tác”, đại diện An Gia nhận định.
Còn Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) trong quý 4/2024 đã thực hiện bàn giao vượt kế hoạch dự án Akari hơn 1.400 căn và Cần Thơ, qua đó giúp doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến so với các quý trước.
Nam Long dự kiến doanh thu và lợi nhuận ròng cả năm 2024 của công ty sẽ đạt kế hoạch đề ra. Theo ước tính của VCBS, doanh thu mang về từ việc bàn giao Akari City giai đoạn 2 và dự án Central Lake Cần Thơ đạt 4.700 tỷ đồng. Ngoài lợi nhuận tích cực, doanh số của NLG cho cả năm 2024 ước tính đạt hơn 5.200 tỷ đồng, tăng 140% so với năm 2023.
Một doanh nghiệp khác là Tập đoàn Bcons cũng đang ráo riết triển khai nhiều dự án tại khu vực phía Nam.
Theo ông Lê Như Thạch, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bcons cho biết, nhu cầu về nhà ở tại TP.HCM, Bình Dương đang ở mức rất cao, ước tính khoảng 50.000 căn hộ mỗi năm để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, nguồn cung lại không thể theo kịp với nhu cầu này do nhiều yếu tố tác động.
Trước thực tế đó, từ năm 2020 - 2024, Bcons đã bàn giao 8 dự án, một số dự án tiêu biểu gồm có Bcons Suối Tiên, Bcons Miền Đông, Bcons Green View… và một số dự án sắp triển khai dự kiến sẽ đưa ra thị trường khoảng 12.000 căn hộ.
“Dự kiến từ năm 2025 - 2027, ngoài 4.000 căn hộ sắp đưa ra thị trường, mỗi năm chúng tôi sẽ tung ra thị trường 3.000 - 5.000 căn hộ”, Chủ tịch Bcons cho hay.
Là một đơn vị phân phối, Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Sao Việt cũng đang đẩy mạnh và mở rộng nguồn hàng tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Bình Dương. Bà Phạm Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bất động sản Sao Việt nhận thấy, sự quan tâm của khách hàng đến thị trường Bình Dương ngày một gia tăng, bởi sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp đã thu hút lượng lớn người về làm việc và sinh sống.
Bên cạnh đó, bình quân thu nhập đầu người của Bình Dương đứng đầu cả nước trong năm 2023 cũng là yếu tố thu hút lượng lớn lao động đổ về đây làm việc với kỳ vọng mức thu nhập tốt hơn. Đồng thời, họ cũng có mong muốn được sở hữu căn hộ nhà ở tại đây.
Cuối cùng là cơ sở hạ tầng tại Bình Dương cũng đang có sự kết nối rất tốt với TP.HCM, do đó rất nhiều người làm việc tại TP.HCM cũng có nhu cầu sở hữu nhà tại Bình Dương bởi mức giá phù hợp với thu nhập mà vẫn đầy đủ tiện ích, dịch vụ, không thua kém so với TP.HCM.
7 ƯU ĐIỂM HÚT DÒNG TIỀN
Đánh giá về thị trường bất động sản phía Nam, tại hội thảo vừa diễn ra, PGS. TS. Trần Kim Chung, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã chỉ ra nhiều ưu điểm từ thể chế, quy hoạch của vùng phía Nam.
Thứ nhất là hệ thống thể chế thị trường bất động sản được ban hành đồng bộ. Trong 3 năm tới, chỉ có các văn bản pháp luật mới được ban hành để đồng bộ hóa, trong khi đó, sẽ không có các văn bản nào được sửa đổi bổ sung. Vì vậy, thị trường sẽ vận hành ổn định về mặt pháp lý trong thời gian trung hạn.
Thứ hai, các quy hoạch đã được thông qua như quy hoạch vùng Đông Nam bộ, quy hoạch Bình Dương, quy hoạch Đồng Nai, quy hoạch Long An, quy hoạch Tây Ninh, quy hoạch Bà Rịa - Vũng Tàu... là nền tảng cơ sở rất thuận lợi phát triển bất động sản vùng TP.HCM. Đến nay, chỉ còn quy hoạch TP.HCM đang chờ phê duyệt.
Thứ ba là tốc độ đô thị hóa cao. TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đều nằm trong nhóm các tỉnh có tăng trưởng kinh tế tốt, tốc độ đô thị hóa cao. Đô thị hóa tại Bình Dương đã đạt mức 85%, trong khi đó, cả nước đang có tỷ lệ đô thị hóa khoảng 42 - 43%.
Thứ tư là kiều hối về TP.HCM và vùng quanh TP.HCM lớn, ổn định. Năm 2023, kiều hối chảy về Việt Nam ước đạt khoảng 16 tỷ USD, riêng TP.HCM là khoảng 9,46 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022. 9 tháng đầu năm 2024, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt gần 7,4 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ năm, vùng TP.HCM thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước. TP.HCM nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2023 đạt 5,85 tỷ USD. Tại Bình Dương, sau nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh cũng thuộc nhóm địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI với 9,56 tỷ USD, vượt chỉ tiêu cả nhiệm kỳ, trở thành "điểm sáng" cho vùng Đông Nam Bộ trong phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Thứ sáu, hệ thống cơ sở hạ tầng vùng TP.HCM được đầu tư lớn như đường cao tốc Long Thành - Bến Lức; đường Vành đai 3, đường Vành đai 4; các tuyến Metro; các đường quốc lộ đi qua TP.HCM. Về dài hạn là đường sắt tốc độ cao Hà Nội – TP.HCM; các cảng biển trên địa bàn TP.HCM; đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài…
Thứ bảy, nhóm người trung lưu gia tăng, tỷ lệ người thuộc tầng lớp trung lưu tập trung ở các đô thị khá lớn. Từ đó, trong giai đoạn kinh tế phát triển, nhu cầu bất động sản của nhóm dân cư trung lưu tại TP.HCM và vùng TP.HCM tăng lên.