HoREA: Nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái

Đây là nhận định của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) phát biểu tại hội thảo chuyên đề “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng tổ chức tại Hà Nội, ngày hôm nay (17/12).

Theo ông Lê Hoàng Châu, thị trường bất động sản đang rất khó khăn. Khi sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền, cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý.

Thị trường thì thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân nhưng lại thừa nhà ở cao cấp. Giá nhà thì tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.

trường bất động sản
Thị trường bất động sản đang rất khó khăn nên một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các giải pháp cấp thời tự cứu mình

Trong khi, vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản và nhà ở đó chính là pháp lý, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở hiện nay.

“Do đó, nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng có thể kéo theo suy thoái, khủng hoảng kinh tế. Nó sẽ tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội”, ông Lê Hoàng Châu nhận xét.

Cũng theo Chủ tịch HoREA, chính vì thị trường bất động sản đang rất khó khăn nên một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các giải pháp cấp thời tự cứu mình. Họ cần tồn tại trước đã và chờ cơ hội đầu tư kinh doanh mới.

Ví như: Thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO, mua lại trái phiếu trước thời hạn). Cho dù, điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, ông Châu còn nhận định thêm rằng, do tắc nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, vốn huy động từ khách hàng, nên một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản “đói vốn” đã phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao đầy rủi ro.

Không những thế, các đơn vị này đang phải bán bớt tài sản, chuyển nhượng dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu, thậm chí đến 40-50% giá hợp đồng. Nhưng điều này lại tạo ra cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ hơn.

Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn rủi ro, do đây là sản phẩm hình thành trong tương lai. Đáng chú ý nhất của việc chuyển nhượng dự án với giá rẻ đó chính là có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh có cơ hội thâu tóm các dự án tốt, các thương hiệu mạnh.

"Chính điều này có thể làm giảm lợi thế của các doanh nghiệp trong nước đang thống lĩnh thị trường bất động sản hiện nay", ông Châu nói.

Có thể bạn quan tâm