HUD, Vingroup đề xuất chỉ định thầu đối với dự án nhà ở xã hội

Chỉ định thầu đối với các dự án nhà ở xã hội được nhiều doanh nghiệp đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ…

njoxh.jpg
Nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay rất lớn

Các doanh nghiệp bất động sản cho rằng việc rút ngắn thủ tục và chỉ định thầu có thể giúp các doanh nghiệp phát triển nhanh chóng các dự án nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân có thu nhập thấp.

MUỐN ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH THẦU

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội đã có các đề xuất để đẩy mạnh phát triển loại hình này, đặc biệt là vấn đề về lựa chọn nhà đầu tư.

Đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) kiến nghị Chính phủ xem xét, xây dựng các quy định, cơ chế ưu tiên cho phát triển các dự án nhà ở xã hội thông qua việc rút ngắn các trình tự thủ tục, thời gian thực hiện các trình tự thủ tục.

Cụ thể, về lựa chọn nhà đầu tư nên áp dụng phương thức chỉ định thầu đối với các dự án đã có nhà đầu tư đáp ứng đầy đủ điều kiện (có thể theo xếp hạng các nhà đầu tư theo thang điểm qua việc đánh giá hồ sơ năng lực, kinh nghiệm ở bước mời quan tâm hay theo quy mô các dự án nhà ở xã hội).

Hoặc rút ngắn quy trình đấu thầu bằng cách nâng cao năng lực, trách nhiệm bên mời thầu nhằm giảm bớt các thủ tục, thời gian không cần thiết như sửa đổi, làm rõ, gia hạn hồ sơ mời thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu.

HUD cũng cho hay, quá trình xét duyệt phương án kinh doanh cũng như xét duyệt hồ sơ đối tượng được hưởng ưu đãi về chính sách nhà ở xã hội còn kéo dài do cơ sở dữ liệu về các đối tượng được hưởng ưu đãi chưa có hoặc chưa đầy đủ.

img9030-1741253070682519155831.jpg
Đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị nêu ý kiến tại hội nghị

Việc điều chỉnh để giao chủ đầu tư khu đô thị, khu nhà ở có quỹ đất đó trực tiếp thực hiện đầu tư nhà ở xã hội thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố nhưng còn tồn tại e ngại vướng mắc về pháp luật đấu thầu và đầu tư hiện hành.

Do đó, đại diện HUD xin kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương rà soát các quỹ đất thuộc diện bàn giao để xây dựng nhà ở xã hội; xem xét nếu Chủ đầu tư khu đô thị, khu nhà ở có quỹ đất đủ năng lực và có nguyện vọng đầu tư nhà ở xã hội thì tổ chức điều chỉnh để giao cho chủ đầu tư đó triển khai đầu tư nhà ở xã hội, nhanh chóng khai thác quỹ đất hiện có.

Đồng quan điểm với HUD, tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Vingroup cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép các địa phương được chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội.

“Đồng thời, cho phép các địa phương rút ngắn thủ tục hoặc cho làm song song. Ví dụ, cùng lúc có thể vừa làm quy hoạch, vừa làm thủ tục đầu tư xây dựng… thì sẽ rút ngắn nhiều thời gian. Nếu chúng ta làm xong quy hoạch rồi đến khâu đầu tư, tài chính… sẽ tạo ra nhiều thủ tục hành chính”, Tập đoàn Vingroup nêu.

Còn Tổng Công ty Viglacera cũng cho hay, về việc giao chủ đầu tư đã được Thủ tướng kết luận, làm theo thiết kế, giá được phê duyệt, khách hàng cũng được phê duyệt nên không cần đấu thầu. Đề nghị giao thẳng cho đơn vị nào đủ năng lực để làm cho nhanh vì thủ tục này tốn rất nhiều thời gian.

Liên quan đến vấn đề chỉ định thầu, Công ty Cổ phần Địa ốc Hoàng Quân lại cho rằng, nên chỉ định thầu cho các dự án nhà ở xã hội dưới 2.000 tỷ đồng, còn các dự án lớn hơn thì thực hiện đấu thầu.

SỚM XÂY DỰNG QUỸ NHÀ Ở

Bên cạnh vấn đề chỉ định thầu nhiều doanh nghiệp địa ốc khác cũng đưa ra các ý kiến để thúc tiến độ phát triển dự án nhà ở xã hội. Theo đó, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex) cho rằng, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính quyền và doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương với nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể, giao tiến độ thực hiện.

Việt Nam cần sớm xây dựng quỹ nhà ở quốc gia gắn với cơ sở dữ liệu về dân số, thu nhập, từ đó có sự chuẩn bị về kế hoạch xây dựng, phát triển dự án, tránh sự bị động, để thủ tục pháp lý đơn giản nhất với cơ chế "một cửa".

“Nếu như chúng ta chuẩn hóa, sử dụng công nghệ mới, thiết kế mẫu, sẽ giúp giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm, rút ngắn thời gian thi công rất nhiều” đại diện Becamex lý giải.

Đối với chương trình cho vay ưu đãi với thời gian dài và lãi suất cố định. 100% các quốc gia thành công trong xây dựng nhà ở xã hội đều có chính sách cho vay 25 năm với lãi suất cố định. Điều này rất cần thiết, cho đối tượng mua nhà và chủ đầu tư.

“Điều quan trọng nữa, chúng ta gắn toàn bộ dự án nhà ở xã hội trong quy hoạch phát triển chung của quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng để thiết lập hệ thống giao thông công cộng, đường sắt đô thị, từ đó chúng ta giảm lưu lượng giao thông bình thường, hình thành những khu đô thị vệ tinh… Chúng ta cần giải quyết được bài toán có tính chất tổng thể hơn, tránh phát triển manh mún”, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp bày tỏ.

nha-o-xa-hoi-1.jpg
Cần đơn giản hoá thủ tục đầu tư nhà ở xã hội

Về phía Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) mong muốn sớm ban hành chính sách về thí điểm giao đất không qua đấu thầu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước có đủ kinh nghiệm đầu tư, phát triển nhà ở xã hội được nêu tại Quyết định 92, 37, 38 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo sớm thực hiện việc thí điểm quỹ phát triển nhà ở xã hội, hoặc là mô hình định chế tài chính phù hợp để phát triển nhà ở xã hội dài hạn, bền vững được nêu tại Quyết định 927 của Thủ tướng ngày 30/8/2024.

UDIC cho rằng, một số cơ chế ưu đãi tại Điều 85 Luật Nhà ở và Nghị định 100 năm 2024 cần được điều chỉnh. Ví dụ, kiến nghị nâng lợi nhuận định mức từ 10 lên 15, 20%, kiến nghị về hỗ trợ tiếp cận các nguồn vay vốn như thời gian thẩm định ngắn lại, thời gian cho vay dài lên để đảm bảo nguồn vốn cho các nhà đầu tư.

Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, Bộ Xây dựng cho biết, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 655 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 593.428 căn.

Riêng trong năm 2024, cả nước có 28 dự án với quy mô 20.284 căn đã hoàn thành; 23 dự án với quy mô 25.399 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng; số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư là 113 dự án, tương đương 142.450 căn.

Năm 2024, số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư là 113 dự án, tương đương 142.450 căn. Có 26 dự án với quy mô 27.819 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng. Đến nay có 103 dự án với quy mô 66.755 căn đã hoàn thành. Riêng trong năm 2024 có 28 dự án với quy mô 21.874 căn đã hoàn thành.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Tìm “cửa” giúp người trẻ sớm có nhà

Tìm “cửa” giúp người trẻ sớm có nhà

Người trẻ cần nhà ở, nhưng các dự án nhà giá rẻ gần như vắng bóng, nếu không có giải pháp kịp thời, thế hệ trẻ có nguy cơ bị gạt khỏi thị trường bất động sản....