HUD1: Thanh khoản èo uột, tương lai mờ mịt - vì sao?

Lĩnh vực xây lắp gặp nhiều khó khăn, kinh doanh bất động sản cũng khó khăn không kém, cổ đông và nhà đầu tư lo lắng về tương lai của HUD1. Trong khi đó, HUD1 vẫn có nhiều khoản tiền lớn được chi cho công ty con một cách khá mập mờ.
HUD1: Thanh khoản èo uột, tương lai mờ mịt - vì sao?

CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD1 (HUD1, mã: HU1) là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) được cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước hạng I theo Quyết định số 1636/ QĐ-BXD ngày 3/12/2003 của Bộ xây dựng. Công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng.

Sau gần 8 năm cổ phần hóa, ngày 3/11/2011, HUD1 đã chính thức đưa cổ phiếu HU1 giao dịch trên HoSE. Hiện, HU1 đang giao dịch quanh vùng giá hơn 8.000 đồng/cp, với thanh khoản ở mức thấp, thường xuyên có những phiên khối lượng giao dịch bằng 0.

“Đôi cánh” gặp khó

HUD1 do ông Dương Tất Khiêm làm Chủ tịch HĐQT, được biết đến nhiều trong lĩnh vực thi công xây lắp các loại công trình dân dụng. Từ năm 2018, công ty đã chuyển hướng tập trung nguồn lực cho mảng kinh doanh bất động sản, doanh thu từ mảng này đang chiếm 73% tổng doanh thu của công ty.

Việc chuyển hướng này là có thể giải thích được, vì hoạt động xây lắp của HUD1 từ trước tới nay dựa nhiều vào công ty mẹ (HUD). Tuy nhiên, các dự án của công ty mẹ hiện không còn là điểm tựa vững chắc với hoạt động của HUD1.

Trong khi đó, công tác đấu thầu xây lắp các công trình bên ngoài chưa thực sự hiệu quả do cạnh tranh về giá, cùng với đó là năng lực nội tại của công ty còn hạn chế, khi chủ yếu phục vụ cho công tác xây lắp tự làm tại các dự án do công ty mẹ hoặc chính mình làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, ngay cả khi "lấn sân" sang lĩnh vực khác thì kết quả kinh doanh của HUD1 trong những năm gần đây cũng không mấy khả quan. Cụ thể, trong giai đoạn 2017-2019 dù doanh thu của HUD1 ghi nhận mức tăng trưởng tới vài trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng với các khoản chi phí quá lớn đã "ăn mòn" lợi nhuận sau thuế của doanh nghiêp.

Trong giai đoạn này, lợi nhuận cao nhất mà HUD1 đạt được chỉ ở mức hơn 8,4 tỷ đồng vào năm 2018, 2019. Đến năm 2020, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, con số này chỉ còn 4,9 tỷ đồng, tương đương mức giảm 67% so với năm trước, đà tăng trưởng của doanh thu cũng đứt gãy khi giảm 33% so với năm 2019.

Báo cáo tài chính công ty mẹ có kiểm toán năm 2020 cho biết, nợ ngắn hạn của HUD1 đã vượt quá tài sản ngắn hạn 243 tỷ đồng, và cao gấp gần 5 lần số vốn chủ sở hữu.

Điều này có nghĩa, HUD1 đang bị mất cân đối tài chính ở mức độ nghiêm trọng. Hoạt động kinh doanh, đầu tư của HUD1 phụ thuộc hoàn toàn vào vay nợ. Khả năng thanh khoản kém, gần như không có. Chỉ số thanh khoản bằng tiền mặt của HUD1 tính đến thời điểm cuối năm 2020 ước khoảng 0,04%.

Đáng chú ý, công ty kiểm toán còn đưa ra ý kiến ngoại trừ về những khoản công nợ phải thu và nợ phải trả hơn 52 tỷ đồng không có đầy đủ chứng từ thích hợp về tính hiện hữu, đúng đắn.

Tính đến thời điểm hiện tại, lãnh đạo HUD1 đã có giải trình về ý kiến này của kiểm toán. Nhưng chỉ ở mức độ qua loa là sẽ thu hồi sớm nhất các bản đối chiếu để cung cấp cho cơ quan kiểm toán.

Những con số "lập lờ"

Bên cạnh sự dễ dãi liên quan đến các khoản công nợ bất chấp hoạt động kinh doanh ngày càng khó khăn, báo cáo tài chính năm 2020 của HUD1 còn gây chú ý với khoản đầu tư lên đến 12,75 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD1.02 (công ty con của HUD2 với tỷ lệ nắm giữ là 51%).

Đặc biệt, khoản trích lập dự phòng rủi ro cho hoạt động này chiếm 35% tổng số vốn đầu tư (4,43 tỷ đồng). Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện tại HUD1.02 đã tạm dừng hoạt động do khó khăn.

Khách hàng căng băng rôn phản đối chủ đầu tư HUD1 tại trụ sở công ty liên quan đến dự án Sky Garden
Khách hàng căng băng rôn phản đối chủ đầu tư HUD1 tại trụ sở công ty liên quan đến dự án Sky Garden

Ngoài ra, tỷ suất lợi nhuận trên vốn bình quân (ROE) luôn dưới mức 5% (năm 2020: ROE của HUD1 là 4,6%), trong khi các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khác luôn có chỉ số ROE trên dưới 20%.

Về dài hạn, theo kế hoạch năm 2020 đã được ĐHĐCĐ thông qua, HUD1 sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ các căn hộ tại dự án chung cư Sky Central 176 Định Công (Hà Nội) bên cạnh đó là việc nhận thầu thi công dự án biệt thự nghỉ dưỡng giai đoạn 1, thuộc dự án Khu đô thị sinh thái AE Resort - Cửa Tùng, Quảng Trị.

Tuy nhiên, những kế hoạch này của HUD1 dường như không dễ dàng nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 năm 2020 và đầu năm 2021 như hiện nay, sức cầu của thị trường đang có xu hướng giảm khá rõ nét. Chưa kể, người mua nhà lại càng thận trọng hơn với những dự án đang có nhiều "tai tiếng" về tranh chấp quyền lợi với cư dân như Sky Central.

Nhìn chung, những con số tài chính yếu kém, không rõ ràng cùng với tương lai mù mịt của những dự án được cho là "nồi cơm" chính của HUD1 đã khiến doanh nghiệp này mất điểm trong mắt các nhà đầu tư, cổ đông mệt mỏi.

Minh chứng rõ ràng nhất là cổ phiếu HU1 trên thị trường chứng khoán hiện đang giao dịch dưới mệnh giá cùng với thanh khoản èo uột, thậm chí nhiều phiên giao dịch ghi nhận khối lượng giao dịch bằng 0, bất chấp đây là một doanh nghiệp được "chống lưng" bởi công ty mẹ là một doanh nghiệp Nhà nước tiếng tăm.

Xem thêm

Hưng Yên: Thu hồi dự án của Tổng công ty HUD

Hưng Yên: Thu hồi dự án của Tổng công ty HUD

UBND tỉnh Hưng Yên vừa có văn bản giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng dự thảo văn bản của UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng về việc dừng triển khai thực hiện Dự án Phân khu B, khu đô thị phía Bắc qu

Có thể bạn quan tâm