Khẩn trương đưa học sinh quay trở lại trường học

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cần khẩn trương chu đáo chuẩn bị đưa học sinh quay trở lại trường, kể cả đối với học sinh từ 12-17 tuổi đã được tiêm vắc xin cũng như học sinh mầm non, tiểu học chưa được tiêm vắc xin.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần khẩn trương đưa trẻ đến trường. (Ảnh: Int)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần khẩn trương đưa trẻ đến trường. (Ảnh: Int)

 Đồng tình trở lại trường

Cho đến thời điểm này, học sinh các cấp tại nhiều tỉnh, thành phố đã học trực tuyến gần 6 tháng. Đây là khoảng thời gian dài nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào năm 2020. Với Đỗ Mai Hoa, học sinh lớp 11, Trường THPT Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội đã quen với học trực tuyến, nên khi có thông tin trở lại trường em hơi chút lo lắng và cho biết, em quen học ở nhà, hơn nữa dịch bệnh vẫn còn phức tạp nên chưa muốn quay trở lại học trực tiếp. 

Chị Nguyễn Lan Anh (mẹ của em Hoa) chia sẻ, thực tế chị rất muốn con đường đến trường, nhưng hiện tại ở Hà Nội gần tháng nay liên tục hơn 2.000 – gần 3.000 ca dương tính mỗi ngày chị lo ngại đi học các con chưa ý thức được việc bảo vệ sức khoẻ dễ dẫn đến lây chéo.

Khác với Mai Hoa, em Hải Sơn, học sinh lớp 11A7, trường THPT Khoa học giáo dục (HES), thuộc Đại học KHGD – Đại học Quốc gia Hà Nội, đã gần 6 tháng không được đến trường, không được giao lưu với các bạn, hàng ngày làm bạn với máy tính em cảm thấy nhàm chán, cơ thể không được hoạt bát nhanh nhẹn, nên em rất muốn được đi học càng sớm càng tốt.

“Cháu được tiêm vắc xin mũi thứ 2 từ hồi giữa tháng 12/2021, nên nếu được đi học cháu không quá lo lắng. Cháu sẽ nghiêm túc thực hiện 5K để giữ gìn sức khoẻ cho mình và cho người xung quanh”, em Hải Sơn nói.

Chia sẻ với phóng viên, một số cha mẹ có con học lớp 6, lớp 9, lớp 10 và 12 đều có chung quan điểm muốn các con được trở lại trường học trực tiếp. Nỗi lo của các bậc phụ huynh không chỉ là kiến thức, mà còn ảnh hưởng đến thể chất và tâm sinh lý các con đang ở độ tuổi hình thành nhân cách. Việc ngồi một chỗ, ít giao tiếp, ít hoạt động dễ dẫn đến một thói quen lười vận động, thụ động, “nghiện” máy tính, thậm chí nhiều cha mẹ còn thốt lên “con tôi đã trở thành game thủ”.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc nghỉ học đang ngày càng ảnh hưởng trầm trọng đến sức khoẻ và tinh thần của trẻ. Thống kê của Viện sức khoẻ Tâm thần cho thấy, trong khi học trực tuyến ở nhà, tỉ lệ trẻ đến thăm khám và điều trị sức khoẻ tâm thần tăng lên, chiếm đến 30% trong tổng số bệnh nhân.

Theo thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS& THPT Lômônôxốp, khi có thông tin có thể học sinh sẽ trở lại trường sau Tết Nguyên đán, nhà trường đã tiến hành khảo sát trên 2.235 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12. Kết quả cho thấy, khoảng 42% học sinh đồng ý đi học trực tiếp; 48,2% học sinh chưa muốn đến trường và 9,6% ý kiến khác.

Cũng câu hỏi này tiến hành khảo sát với cha mẹ học sinh, có 70,6% phụ huynh đồng ý cho học sinh trở lại trường sau tết; 23% không đồng ý; còn lại là ý kiến khác. 

Không thể kéo dài dạy gián tiếp

TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chia sẻ, cần cân nhắc đưa học sinh quay lại trường sớm nhất có thể, để cho trẻ phát triển toàn diện hơn. Vấn đề không chỉ có học mà còn tương tác với thầy cô, bạn bè và tham gia các hoạt động ngoại khoá khác, nếu không sẽ trở thành những đứa trẻ thụ động.

“Trên toàn cầu tác động của Covid-19 đến trẻ em không phải lớn, triệu chứng và ca nặng không nhiều. Nên chúng ta cần thích ứng với nó. Mọi học sinh được đến trường cũng là một vấn đề tất yếu”, GS. Phu nói.

Đánh giá về sự an toàn cho học sinh trở lại trường, TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, các thầy cô, cha mẹ và các cháu học sinh được tiêm vắc xin đó chính là môi trường vắc xin cộng đồng để an toàn cho các cháu, hoạt động tập thể tại trường học.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến ngày 15/1, đã có 90% học sinh từ 12 tuổi trở lên được tiêm mũi 1, 72% học sinh được tiêm mũi 2, 82% giáo viên được tiêm mũi 2, trên 28% giáo viên đã tiêm mũi 3. Nhiều địa phương cho biết, dự kiến sẽ cho trẻ đến trường trở lại sau Tết. Điều này cho thấy, học sinh đã được tiêm đủ 2 mũi hoàn toàn có thể đến trường được.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về bàn giải pháp đưa học sinh trở lại trường mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã đề nghị lãnh đạo các địa phương, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương chu đáo chuẩn bị đưa học sinh quay trở lại trường, kể cả đối với học sinh trung học đã được tiêm vắc xin cũng như học sinh mầm non, tiểu học chưa được tiêm vắc xin. “Cần một kế hoạch và hành động mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn kịp thời hơn trong việc này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước chủ trương này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đang xây dựng lộ trình, kế hoạch và phương án để báo cáo thành phố dự kiến sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch sẽ đề xuất với UBND thành phố cho học sinh từ khối 7 đến 12 đi học lại ở tất cả 30 quận/huyện/thị xã trên cơ sở dịch được khống chế và đã tiêm đủ vaccine cho học sinh.

Như vậy, học sinh trở lại trường học là hoàn toàn cần thiết, không thể kéo dài việc dạy học gián tiếp. Tuy nhiên, ngành giáo dục cần thời điểm thích hợp và lấy được sự đồng thuận của các bên, cần phải có sự chuẩn bị rất kỹ và rất rõ ràng để phụ huynh học sinh, giáo viên, chính quyền nắm rõ được, chuẩn bị trước kế hoạch, xây dựng kế hoạch giảng dạy, giải pháp sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh có thể xảy ra trong trường.

Có thể bạn quan tâm