Tại phiên họp trực tuyến toàn quốc giữa Chính phủ với các địa phương tháng 6, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, cho phép tỉnh Khánh Hòa xây dựng đề án về cơ chế, chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Phong trong tình hình mới. Điều này nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của vịnh Vân Phong nói chung và Khu kinh tế Vân Phong nói riêng.
Khu kinh tế Vân Phong có diện tích khoảng 70.000 ha, gồm 2 khu vực Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh, định hướng trở thành đặc khu) và Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa). Theo quy hoạch chung đến 2030, Vân Phong sẽ trở thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác...
Mới đây, Thủ tướng đồng ý tạm dừng việc triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong theo đề nghị của tỉnh này.
Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa khẩn trương tổ chức việc lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo luật định; đồng thời điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong.
Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa còn kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ bổ sung vốn đầu tư các công trình quan trọng (đường giao thông ven biển, đê, kè phòng, chống ứng phó biến đổi khí hậu…) nhằm kích thích, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân. Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần hỗ trợ hướng dẫn tỉnh xử lý những khó khăn phát sinh để sớm đưa các dự án đầu tư vào triển khai; sớm triển khai đường cao tốc Buôn Mê Thuột - Nha Trang và nâng cấp sân bay Tuy Hòa…
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, 6 tháng năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giảm 12,02% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 0,68%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 32,7%; doanh thu du lịch giảm gần 71,8% với số lượt khách lưu trú giảm 79%.