Xuất khẩu gặp khó, doanh nghiệp tích cực vào cuộc
Theo Bộ Công Thương, ước tính niên vụ vải 2021 các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương sẽ thu hoạch 250.000 tấn. Theo kế hoạch, trên 50% sản lượng vải sẽ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tương tự, trong tháng 7 tỉnh Sơn La
cũng bước vào vụ thu hoạch xoài, nhãn với sản lượng lên đến 163.700 tấn. Mặc dù sản lượng bội thu nhưng do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và tiêu thụ nội địa gặp nhiều khó khăn do ách tắc trong khâu vận chuyển, thông quan.
Thông tin từ Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa cho biết, thời gian tới các tỉnh miền Tây Nam Bộ, miền Trung bước vào vụ thu hoạch các loại trái cây như dưa hấu, thanh long, chôm chôm, nhãn... nhưng việc xuất khẩu đi các nước, đặc biệt là Trung Quốc gặp khó sẽ tạo áp lực lớn về tiêu thụ nông sản. Vì sao nông sản Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc? Theo ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, đa phần nông sản Việt Nam chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của những thị trường“khó tính”như châu Âu, châu Mỹ... trong khi đó, thị trường Trung Quốc vừa gần về địa lý, vừa lớn về khả năng tiêu thụ. Ngoài ra, chi phí logicstics cũng rất lớn, chiếm đến 15 - 20% tổng chi phí kinh doanh khiến doanh nghiệp ngại xuất khẩu tới thị trường xa bởi kinh doanh không có lãi hoặc lãi thấp.
Thực tế cho thấy, trong quá trình lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản đã gặp phải nhiều khó khăn vì dịch bệnh hoành hành. Tỉnh Bắc Giang vào vụ thu hoạch vải giữa lúc 6 huyện Việt Yên, Lục Nam, Yên Dũng, Yên Thế, Hiệp Hòa, Tân Yên đang phải thực hiện giãn cách xã hội. Vì thế, quả vải có nguy cơ ách tắc, bà con trồng vải chỉ còn biết khóc khi nhìn thấy công lao cả năm trời của mình có nguy cơ đổ xuống sông, biển.
Rất may cho bà con, cùng với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp Việt - từ các công ty phân phối hàng hóa, các doanh nghiệp viễn thông, truyền thông đến các chủ kinh doanh nhỏ đã nhanh chóng vào cuộc để đưa quả vải đến tay người tiêu dùng khắp cả nước. Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ tích cực của rất nhiều các tổ chức thiện nguyện và người dân cả nước.
Những ngày này, hệ thống siêu thị Co.op Mart cũng đã bắt đầu tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương). Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông - cho biết, từ ngày 29/5, hơn 50 tấn vải tươi đã bắt đầu được đưa lên kệ hàng hệ thống siêu thị Co.op Mart khu vực phía Bắc.
“Trong vụ vải năm 2021, hệ thống siêu thị Co.op Mart đặt mục tiêu sẽ tiêu thụ 400 tấn vải và sẽ vượt 500 tấn nếu dịch bệnh được kiểm soát khả quan” - bà Dung nói. Tương tự, Tập đoàn Central Retail (đơn vị quản lý vận hành chuỗi siêu thị GO/Big C Việt Nam) cũng đang tích cực thu mua và tiêu thụ vải trong vụ thu hoạch 2021.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam - chia sẻ, trong bối cảnh tỉnh Bắc Giang đang chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã lên phương án vận chuyển, tiêu thụ trái vải Bắc Giang với số lượng khoảng gần 1.000 tấn cho niên vụ vải năm 2021.
Lần đầu tiên nông sản "lên sàn"
Một dấu ấn đáng nhớ cho bà con vùng trồng vải: Ngày 6/6/2021, 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam là Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost) và Lazada đã đồng loạt bán vải thiều Bắc Giang. Đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành. Bên cạnh hình thức kết nối cung - cầu truyền thống, các bộ ngành chức năng đã đẩy mạnh áp dụng ứng dụng công nghệ số trong việc vận chuyển, phân phối đưa nông sản đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, đảm bảo chất lượng.
Nói về lợi ích các sàn thương mại điện tử mang lại trong việc giúp người dân tiêu thụ nông sản, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Xúc tiến thương mại Bộ Công thương - nêu rõ, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử sẽ tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm nông sản tiềm năng của địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động này sẽ góp phần nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) – cũng cho biết, ngay trong tháng 5 khi mùa vải thiều Bắc Giang, Hải Dương bắt đầu vào vụ thu hoạch, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, hợp tác với các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso, Postmart, Lazada... để hỗ trợ các tỉnh tiêu thụ sản phẩm. “Các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost) đã thống nhất triển khai những phương án thu mua, vận chuyển logistics thương mại điện tử, qua đó đáp ứng mọi đơn hàng vải thiều”- ông Hải cho hay.
Cho đến nay, hàng chục tấn vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã nhanh chóng được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Sendo. Những sản phẩm này được dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm minh bạch thông tin về canh tác, thu hái và vận chuyển. Trước đó, từ ngày 19/5, vải thiều Thanh Hà cũng chính thức được mở bán ở vị trí ưu tiên trên sàn thương mại điện tử Voso thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến”.
“Việc đưa vải thiều lên bán tại các sàn thương mại điện tử đem lại lợi ích kinh tế lớn cho bà con. Lần đầu tiên vải chín sớm Thanh Hà được bán với giá 150.000 đồng/kg tại TP Hồ Chí Minh, đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay. Đến nay, giá cũng giảm hơn nhiều so với đầu mùa nhưng nhìn chung giá vẫn cao hơn so với năm trước. Bà con nông dân rất phấn khởi” – Ông Trần Văn Hảo - Giám đốc Sở Công thương Hải Dương - chia sẻ.
Các sàn thương mại điện tử khác là Sendo, Postmart.vn cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với 4 đơn vị sản xuất, thu mua vải và nông sản của Hải Dương. Đại diện sàn thương mại điện tử Postmart cho biết, trước mắt chọn 3 loại nông sản đặc trưng của 3 miền là vải thiều Hải Dương, dưa hấu Quảng Bình và mít Thái trồng tại Đồng bằng sông Cửu Long để hỗ trợ tiêu thụ.
Việc kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả, là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức phân phối hàng hoá truyền thống, từ đó giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ khắp 63 tỉnh, thành phố, tận dụng ưu thế của công nghệ theo xu hướng 4.0.
Từ câu chuyện tiêu thụ các loại nông sản đang diễn ra, có thể thấy, thị trường tiêu thụ trong nước vẫn còn rất lớn. Trong thời gian tới, khi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu thì việc tập trung chăm sóc thị trường trong nước vẫn nên được coi là ưu tiên hàng đầu. Hơn lúc nào hết, phương châm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” lại được người dân cả nước đặc biệt chú trọng. Điều đó góp phần vào công cuộc vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội đã được Chính phủ phát động.
Vải thiều Việt Nam từng bức chinh phục thế giới
Một thực tế không thể phủ nhận, nhiều năm nay, Trung Quốc là thị trường chính của vải thiều Việt Nam. Tuy nhiên tình hình đã có nhiều thay đổi kể từ khi Thương vụ Việt Nam tại Úc đã làm việc với các nhà nhập khẩu quả để thống nhất thực hiện kế hoạch nhập khoảng 100 tấn vải thiều từ Việt Nam sang các bang Nam Úc và Tây Úc. Những lô hàng vải thiều đầu tiên đã có mặt trên các kệ hàng trong các siêu thị tại Úc, được người dân xứ sở chuột túi nhiệt tình đón nhận.
Tương tự như thị trường Úc, sau 1 năm Nhật Bản chính thức mở cửa thị trường cho mặt hàng vải thiều tươi của Việt Nam, tình hình xuất khẩu và tiêu thụ quả vải thiều Việt Nam sang xứ hoa đào hiện đang rất thuận lợi. Ở vụ mùa 2021 này, các công ty đầu mối xuất khẩu vải thiều dự tính xuất khẩu khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi sang Nhật Bản. Những lô vải thiều tươi đầu tiên của Việt Nam do Công ty Sunrise Farm Nhật Bản ký kết với Công ty CP Ameii Việt Nam đã được đưa đến xứ hoa đào, đánh dấu một mùa vải bội thu và niềm vui đón nhận của người tiêu dùng tại Nhật Bản.
Được biết, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tích cực tìm kiếm các đối tác của Nga để xuất khẩu vải thiều tươi sang thị trường xứ bạch dương. Đây là một thị trường truyền thống hứa hẹn tiềm năng rất lớn mà các doanh nghiệp Việt không thể bỏ qua.