Theo Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WHO - ông Michael Ryan, khoảng 46 nước trên thế giới đã triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19, trong đó 38 nước là những quốc gia có thu nhập cao.
Hiện Mỹ là quốc gia có nhiều người dân đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhất thế giới. Tuy nhiên, số người đã được tiêm phòng vẫn ít hơn nhiều so với mục tiêu nhà chức trách nước này đặt ra là đến cuối tháng 12/2020 tiêm phòng cho 20 triệu người.
Theo số liệu chính thức được công bố ngày 13/1, hơn 10 triệu người ở Mỹ đã được tiêm liều vaccine đầu tiên ngừa COVID-19. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết trong số 29.380.125 liều vaccine của 2 hãng dược phẩm Pfizer và Moderna được chuyển tới các bang của nước này, đã có 10.278.462 liều được sử dụng tiêm mũi đầu tiên. Như vậy mới chỉ có khoảng 3,1% trong tổng dân số khoảng 330 triệu người ở Mỹ được tiêm phòng mũi đầu tiên và vaccine này chưa được sử dụng cho trẻ em.
Xét tỉ lệ dân số đã được tiêm chủng, Israel đang dẫn đầu thế giới, tiếp đó lần lượt là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Anh và Mỹ.
ndonesia phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 CoronaVac của Trung Quốc và khởi động chương trình tiêm chủng với người đầu tiên được tiêm là Tổng thống Joko Widodo. Trong khi đó, Mỹ đang đẩy nhanh việc tiêm vaccine bằng cách xuất thêm nhiều vaccine COVID-19 từ kho dự trữ.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 12/1 đã đẩy nhanh việc tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân Mỹ, giải phóng phần còn lại của các liều vaccine dự trữ và khuyến nghị các bang ngay lập tức mở tiêm chủng cho người từ 65 tuổi trở lên. Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Con người Mỹ Alex Azar cho hay, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã dự trữ liều lượng vaccine COVID-19 để bảo đảm tất cả những người được tiêm mũi đầu tiên sẽ được tiêm mũi thứ hai đúng lịch trình hiện đã đủ tự tin vào chuỗi cung ứng để giải phóng kho dự trữ đó.
Tại Israel, đến nay đã có hơn 1,8 triệu người được tiêm xong đợt 1 vaccine phòng COVID, chiếm hơn 20% dân số. Theo thỏa thuận giữa Israel và hãng Pfizer, đều đặn mỗi tuần sẽ có một chuyến hàng vaccine với số lượng vài chục nghìn liều được chuyển đến Israel, cho đến khi mọi người dân tại nước này được tiêm xong. Chủ tịch Hội đồng chống dịch COVID-19 Nachman Ash nói rằng Israel có thể phấn đấu nâng số người được tiêm lên 200.000 người/ngày, bao gồm cả tiêm lượt 1 và lượt 2 và dự tính tiêm phòng cho người dân cả ngày lẫn đêm.
Ấn Độ đặt mục tiêu bắt đầu tiêm chủng cho 1,3 tỷ dân chống lại COVID-19 từ ngày 16/1. Khoảng 150.000 nhân viên tại 700 huyện đã được đào tạo đặc biệt và Ấn Độ đã tổ chức một số đợt chạy thử toàn quốc với việc vận chuyển vaccine giả và tiêm giả. Trong đợt triển khai tiêm chủng lớn nhất thế giới này, quốc gia đông dân thứ hai thế giới hy vọng sẽ tiêm chủng cho 300 triệu người, tức gần bằng toàn bộ dân số Mỹ, vào tháng 7/2021. Đầu tiên sẽ ưu tiên 30 triệu nhân viên y tế và các nhân viên tuyến đầu khác, tiếp theo là khoảng 270 triệu người trên 50 tuổi hoặc được coi là có nguy cơ cao trên khắp đất nước rộng lớn này.