Quy hoạch đề cập đến việc xây dựng 9 tuyến đường sắt mới dài 2.362 km, trong đó tuyến lớn nhất là đường sắt tốc độ cao Hà Nội - TP.HCM. Ngoài ra, dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ sẽ được triển khai để phục vụ người dân miền Tây.
Theo quy hoạch, đến năm 2050, cả nước sẽ có 25 tuyến đường sắt tổng chiều 6.354 km. Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết từ nay đến năm 2030 sẽ bố trí và huy động khoảng 240.000 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, đảm bảo an toàn cho tuyến đường sắt hiện hữu; quy hoạch, nghiên cứu 9 dự án mới; nghiên cứu đường sắt kết nối cảng biển.
Đề cập đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định công trình sẽ được đầu tư theo hướng phục vụ riêng cho hành khách. Hàng hóa trên trục Bắc - Nam sẽ được vận chuyển bằng tàu biển và tận dụng tuyến đường sắt cũ.
"Chúng tôi sẽ tham mưu cho Thủ tướng và cố gắng trong nhiệm kỳ này báo cáo dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cho Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, đặc biệt là xin Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư", Bộ trưởng Thể nói.
Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định sang nhiệm kỳ tới, Bộ GTVT sẽ tập trung lập dự án, giải phóng mặt bằng và thiết kế một số đoạn của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để đến năm 2028-2029 có thể khởi công một số gói thầu.
"Trong quy hoạch, Thủ tướng giao nhiệm vụ khởi công một số đoạn của tuyến Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang trước năm 2030", ông Thể chia sẻ.
Thời gian qua, Bộ GTVT đã báo cáo toàn bộ 5 quy hoạch giao thông gồm đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy, cảng biển và được Hội đồng Thẩm định Quốc gia họp thông qua. Đến nay, 3 quy hoạch gồm đường bộ, cảng biển và đường sắt đã được phê duyệt. Riêng quy hoạch hàng không đã thông qua Hội đồng Thẩm định, đang chờ báo cáo Chính phủ.