Ngày 8/5, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM thông báo quyết định đưa cổ CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã chứng khoán: HAG) vào diện cảnh báo kể từ ngày 12/05/2017.
Lý do là lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2016 âm 1.115 tỷ đồng và lỗ sau thuế chưa phân phối là 1.412 tỷ đồng căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.
Với lý do tương tự, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã CK: HNG) cũng rơi vào diện cảnh báo kể từ ngày 12/05/2017.
Phản ứng trước thông tin này, 2 cổ phiếu đã giảm sàn. Đóng cửa, HAG rơi về giá 8.500 đồng và HNG còn 11.000 đồng.
Mặc dù con số lỗ của 2 doanh nghiệp đã được công bố từ trước và việc bị rơi vào diện cảnh báo là dự báo được nhưng có thể nói việc cổ phiếu giảm sàn là phản ứng hoàn toàn dễ hiểu bởi vì khi rơi vào nhóm này, HAG và HNG sẽ bị loại khỏi danh sách cho vay margin của các công ty chứng khoán theo quy định của UBCK.
Có vẻ như thị trường đang lo ngại việc bị dưa vào diện cảnh báo sẽ khiến cho bộ đôi này bị “cắt margin”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, một số công ty chứng khoán lớn vẫn khá thận trọng trong việc cấp margin cho HAG và HNG nên lo ngại về giải chấp có chăng cũng không đáng kể.
Dù vậy, thực tế là HAG và HNG đều đã có một giai đoạn tăng giá mạnh. Dù giảm sàn trong phiên 8/5 thì giá cổ phiếu HAG và HNG cũng đang cao hơn 70% - 80% so với hồi cuối tháng 2.
Nhưng nhìn về phía ngược lại, cũng trong phiên này, khối lượng giao dịch của 2 cổ phiếu đã tăng vọt. HAG khớp 16,5 triệu đơn vị và HNG khớp hơn 5 triệu đơn vị. Những người quyết định mua khi cổ phiếu giảm sàn vì lý do gì?
Theo giới đầu tư, giá cổ phiếu trong ngắn hạn không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng tiêu cực với thông tin nói trên. Còn xét trong thời gian dài hơn, quá trình tái cấu trúc đang có diễn biến mới và nhà đầu tư có thể kỳ vọng hơn vào triển vọng của doanh nghiệp.
Điểm sáng của tập đoàn HAGL đang được nhiều người nhìn vào là việc bán mảng mía đường cho Thành Thành Công để thu gọn và tập trung các ngành nghề chính, kỳ vọng về giá cao su trong các quý tới có thể mang đến doanh thu – lợi nhuận tốt cho tập đoàn. Bên cạnh đó là những tia hy vọng về dự án tại Myanma.
Đối với HNG, việc tập trung cho mảng nông nghiệp đang được Chính phủ hỗ trợ về mọi mặt, do vậy, dài hạn có thể cho rằng HNG sẽ được hưởng lợi về các chính sách chung của Chính phủ.
Theo đánh giá trước đó của CTCK HSC, việc HAGL lấy ý kiến cổ đông thông qua điều chỉnh giá chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi với số trái phiếu chuyển đổi phát hành cho Temasek (trị giá 1.100 tỷ đồng), là một phần của quá trình tái cấu trúc nợ hiện tại. Trong Q4/2016, một số chủ nợ lớn của HAG đã đồng ý gia hạn thời gian đáo hạn của phần lớn số trái phiếu thường hiện tại, trị giá 12.630 tỷ đồng lên năm 2021-2026. Chi phí lãi vay của số trái phiếu này cũng được hoãn lại.
Và sau khi trái phiếu chuyển đổi Temasek được nhà đầu tư khác mua lại và điều chỉnh giá chuyển đổi, vấn đề thanh khoản của HAG cơ bản sẽ được giải quyết.
“Với quá trình tái cơ cấu có những tiến triển mới, cùng với đó là sự phục hồi của giá hàng hóa cơ bản và thanh lý một số tài sản, tình hình công ty sẽ có nhiều chuyển biến” – HSC đánh giá.
Theo Minh Tâm/ Trí thức trẻ
>> Phiên 9/5: Cổ phiếu HNG lau sàn “quét bay” 16 triệu cổ sau 30 phút