Sau đợt tăng giá, chỉ số P/E của một số cổ phiếu có vốn hóa lớn, tác động đến VN-Index, đang ở mức cao và rất cao, khiến cho mặt bằng P/E toàn thị trường bị đẩy lên. Có cổ phiếu thời gian qua thị giá tăng thẳng đứng gấp đôi chỉ sau ba tuần giao dịch và chỉ số P/E bốn quí gần nhất vọt lên khoảng 220 lần! Một số khác có P/E dao động từ 30-60 lần. Mức P/E từ 20-25 lần tương đối phổ biến đối với phần còn lại của nhóm này. Điều đáng nói là tốc độ tăng trưởng thị giá của những cổ phiếu đó luôn vượt xa tốc độ tăng EPS của chúng.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn hầu hết có mặt trong danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư cả nội và ngoại và họ giao dịch chúng tích cực. Những phiên các mã này tăng điểm đều là những phiên chúng được khối ngoại mua ròng mạnh. Ngược lại, nếu họ bán ra, các cổ phiếu họ bán ròng đều giảm giá. Mặc dù giá trị giao dịch của khối ngoại chiếm tỷ trọng khoảng 20-25% toàn thị trường tùy ngày, song họ lại tạo nên hiệu ứng “ăn theo” khá thành công cho các nhà đầu tư trong nước.
Vấn đề đặt ra ở đây là chiến lược đầu tư cũng như giao dịch của khối ngoại đang thay đổi linh hoạt. Họ không nắm giữ cổ phiếu dài hơi như trước, họ chốt lời những cổ phiếu đã cho mức lời nhất định và tìm bến đậu ở những cổ phiếu chuẩn bị niêm yết có giá trị vốn hóa lớn khác. Khi các cổ phiếu vốn hóa lớn hiện nay như VNM, MSN, SAB, VCB, PLX... lên đến mức giá mà ở đó VN-Index chạm 850 điểm, họ bán chốt lời. Hấp thụ lượng cổ phiếu họ bán ra là vốn nội, trong đó có một phần vốn thoát ra từ các nhóm SmallCap và MidCap. Đa phần cổ phiếu của hai nhóm trên đang ở vùng đáy của 12-18-24 tháng. Có cổ phiếu thị giá hiện tại tương đương thị giá khi VN-Index ở vùng 600-650 điểm.
Sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu ngày càng rõ ràng khi nhóm này rơi về “vực sâu” nhóm kia lên “đỉnh cao” và khái niệm về sự rẻ đắt đang trở nên vô nghĩa. Sự phân hóa đang tạo ra một thị trường thiên lệch và nhà đầu tư cá nhân trong nước có nên nhất nhất phải theo chân các tổ chức nước ngoài để không bị VN-Index bỏ lại phía sau?
Một môi giới kỳ cựu của một công ty chứng khoán già đời nhất nhì trên thị trường bình luận bây giờ là thời điểm nhà đầu tư cá nhân cần tỉnh táo và ông nhắc lại một câu nói kinh điển “không có cổ phiếu nào lên giá mãi mãi, cũng không có cổ phiếu nào xuống giá mãi mãi” (trong điều kiện kết quả kinh doanh bình thường). Một thị trường tăng trưởng bền vững phải là thị trường, nơi các cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt bất chấp quy mô của chúng, được nhà đầu tư đón nhận sòng phẳng (fair play) theo đúng giá trị thật của chúng.
Và ông tự đặt câu hỏi: “Bạn sẽ bỏ tiền mua cổ phiếu giá đã tăng 30-50% trong thời gian ngắn với P/E vài chục lần, thậm chí trăm lần hay sẽ giải ngân vào những cổ phiếu giá đang ở đáy, có lợi nhuận từ tốt đến khả quan, nhưng sự lên hay xuống thị giá của chúng không khiến VN-Index xê dịch?”. Chọn cổ phiếu nào, tất nhiên, là quyền của nhà đầu tư, nhưng theo chân khối ngoại và tin ở chính mình lại là hai cách hành xử ảnh hưởng tới túi tiền của những người đang tham gia thị trường chứng khoán.
Đừng quên rằng các tổ chức và khối ngoại đã từng thua lỗ, đã từng lao đao, tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của không ít quỹ đã từng bị chiết khấu ở mức “đau đớn”.
Năm nay những nhà đầu tư kinh nghiệm nói nhiều đến hiện tượng một số doanh nghiệp trước và sau khi niêm yết báo cáo doanh thu, lợi nhuận với sự tăng trưởng cao gấp nhiều lần trước đây một vài năm. Thị giá cổ phiếu của họ sau niêm yết luôn giữ vững giá cao và đương nhiên cao hơn giá trên thị trường OTC trước đây. Không ít cổ phiếu như thế được nước ngoài mua vào với tỷ lệ đủ làm cổ đông lớn. Lật lại lịch sử, chúng ta thấy gì? Vài quỹ danh tiếng nước ngoài mua cổ phiếu của những doanh nghiệp kể trên, sau một thời gian họ giao dịch thỏa thuận bán lại cho một số cổ đông cá nhân lớn của chính doanh nghiệp với mức giá đảm bảo cho nước ngoài có lời. Một thời gian nữa trôi đi, những cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phiếu từ nước ngoài ấy, lặng lẽ bán chúng ra thị trường.
VN-Index đang trong giai đoạn nhạy cảm và thử thách lòng kiên trì, niềm tin vào chính bản thân và kinh nghiệm của nhà đầu tư. Đầu tư theo khối ngoại, tốt thôi. Đấy là khi bạn có lợi nhuận. Nhưng chẳng may bạn thua lỗ, họ có “giang tay” ra với bạn không? Trên thị trường luôn tồn tại những chùm nho, khi nào nho chín và chín ở mức độ nào tùy con mắt nhìn cũng như khẩu vị mỗi người!
Theo Hải Lý/TBKTSG
>> Ocean Group có lãi quý 3, giảm lỗ luỹ kế giảm còn 2.700 tỷ đồng