Không thể có miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Tây Ban Nha được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet cho thấy không thể có miễn dịch cộng đồng đối với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Không thể có miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19

Các nhà khoa học Tây Ban Nha đã tiến hành nghiên cứu 61.000 trường hợp để xác định những người có kháng thể chống lại bệnh COVID-19. Kết quả cho thấy chỉ có 5% trong số này có được miễn dịch chống SARS-CoV-2.

Chuyên gia dịch tễ học của Trường Đại học Tự do Bỉ (ULB) Marius Gilbert khẳng định: “Đây là một nghiên cứu rất thú vị và là nghiên cứu đầu tiên được tiến hành tại một đất nước đã bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề.

Nghiên cứu cho thấy rằng ngay cả ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch COVID-19, người ta vẫn thấy tỷ lệ người có kháng thể với SARS-CoV-2 rất thấp. Do vậy, chúng ta không thể có được miễn dịch cộng đồng chống lại SARS-CoV-2”.

Theo chuyên gia Marius Gilbert, nghiên cứu trên cũng cho thấy tại những khu vực chưa bị ảnh hưởng trong đợt bùng phát dịch thứ nhất tại Tây Ban Nha, tỷ lệ người có kháng thể chống COVID-19 là rất thấp, chỉ khoảng 1-2% và những khu vực này có nguy cơ bị tác động nghiêm trọng nếu như đại dịch lại một lần nữa bùng phát tại Tây Ban Nha.

Ông Gilbert thừa nhận vẫn còn nhiều bí ẩn xung quanh virus SARS-CoV-2, ví dụ như khả năng cơ chế phòng vệ miễn dịch đối với bệnh COVID-19 không diễn ra qua việc sản xuất kháng thể và những kháng thể này không tồn tại lâu ở người sau khi cơ thể bị nhiễm bệnh hay thực tế là một số người dường như được bảo vệ mà không cần tới việc sản xuất kháng thể.

Chuyên gia này nhận định: “Đây là những điều chúng ta chưa biết tới và có nguy cơ khiến chúng ta có thể bị nhiễm bệnh trong những tuần tới hay tháng tới. Chúng ta vẫn chưa biết được yếu tố nào có thể ngăn cản dịch COVID-19 bùng phát”.

Nghiên cứu cũng cho thấy khoảng 30% số người tham gia quá trình nghiên cứu đã nhiễm SARS-CoV-2 mà không có triệu chứng bệnh, cho thấy mức độ nguy hiểm của bệnh này đối với sức khỏe cộng đồng.

Các chuyên gia y tế cho rằng cần phải tiếp tục theo dõi đại dịch để xem liệu một khu vực đã bị ảnh hưởng nặng ở đợt bùng phát đầu tiên liệu có thể bị tái phát dịch lần 2 hay không.

Cho tới nay, các chuyên gia y tế khuyên rằng cách tốt nhất để phòng dịch là cần cảnh giác, bảo đảm giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang.

COVID-19 gây biến chứng thần kinh nghiêm trọng

Trong một diễn biến liên quan, các nhà khoa học Anh ngày 8/7 cảnh báo có bằng chứng mới cho thấy COVID-19 có thể dẫn đến một số biến chứng thần kinh nghiêm trọng, bao gồm viêm não, loạn tâm thần và mê sảng.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học London (UCL), Anh mô tả 43 trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 chịu các tổn thương não tạm thời, đột quỵ, tổn thương thần kinh lẫn các tổn thương não nghiêm trọng khác.

Trong nghiên cứu của UCL, đăng trên tạp chí Brain, 9 bệnh nhân COVID-19 bị viêm não được chẩn đoán mắc phải tình trạng hiếm gặp của bệnh viêm não tủy rải rác cấp tính (ADEM) - một căn bệnh thường gặp hơn ở trẻ em và có liên quan đến việc bị nhiễm virus.

Nhóm nghiên cứu cho biết mỗi tháng bệnh viện của UCL tiếp nhận một bệnh nhân ADEM là điều bình thường. Tuy nhiên, trong thời gian làm nghiên cứu này, nhóm nhận thấy số ca ADEM đã tăng lên, trung bình một ca nhập viện một tuần.

Nhóm nghiên cứu mô tả đây là "sự gia tăng gây lo ngại". "Các bác sĩ cần lưu ý về những ảnh hưởng thần kinh có thể xảy ra, cũng như chẩn đoán bệnh sớm để có thể giúp cải thiện tình trạng của bệnh nhân", ông Ross Paterson - đồng tác giả nghiên cứu, cảnh báo.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...