Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại và nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam. Bởi, Việt Nam có vị trí tiếp giáp Trung Quốc, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu thô và dây chuyền sản xuất, mức độ hội nhập quốc tế lớn, nguồn cung bất động sản công nghiệp phong phú và chi phí lao động, sản xuất cạnh tranh với các thị trường lân cận.
TĂNG TỐC ĐẦU TƯ
Hiện nay, Trung Quốc luôn là một trong những quốc gia có lượng đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Số liệu từ Bộ Kế Hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã đầu tư 2,92 tỷ USD vào Việt Nam và là quốc gia đứng thứ hai sau Singapore về khối lượng đầu tư.
Tính đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.032 dự án, tổng vốn đăng ký trên 26 tỷ USD, đứng thứ 6 trên tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Về thương mại, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD. 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 138,9 tỷ USD.
Ở phía Việt Nam đã nỗ lực vươn lên trên chuỗi giá trị trong nhiều năm và những nỗ lực này đã được đền đáp trong những năm gần đây với cơ hội mang lại từ Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung năm 2019 cùng đại dịch kéo dài từ 2020 và 2021. Điều này đã đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa và tái lập nhà máy của các nhà sản xuất điện tử đa quốc gia bên ngoài Trung Quốc đến Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Đáng chú ý, nhu cầu sản xuất sản phẩm năng lượng mặt trời đang gia tăng tại Việt Nam, đặc biệt đối với khu vực phía Bắc. Trong đó, Trina Solar, tập đoàn lớn trong lĩnh vực pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc, là nhà đầu tư lớn nhất tại khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên với hai nhà máy đang hoạt động ổn định.
Tập đoàn này đồng thời cũng đề xuất triển khai giai đoạn 3 của dự án nhà máy phát triển năng lượng tại Thái Nguyên với mức đầu tư dự kiến 420 triệu USD. Đây là mức đầu tư lớn nhất của Tập đoàn này tại nước ngoài trong lĩnh vực quang điện.
Theo Savills Việt Nam, trong những năm gần đây, các công ty năng lượng mặt trời hàng đầu của Trung Quốc đang mở rộng sản xuất tại Việt Nam, không chỉ nhằm thâm nhập thị trường Đông Nam Á mà còn lấy đó làm bàn đạp để tham gia vào thị trường châu Âu và Mỹ một cách dễ dàng hơn.
Lý giải cho nhận định trên, ông John Campbell, Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết, Việt Nam và vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc lại thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực sản xuất năng lượng mặt trời vì có vị trí tiếp giáp Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu thô và dây chuyền sản xuất.
Ngoài ra, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của Việt Nam có vị trí địa lý gần với Trung Quốc, đi kèm lợi thế về giá đất công nghiệp cạnh tranh so với khu vực phía Nam, từ đó tạo sức hút riêng của các tỉnh trong khu vực đối với nhà đầu tư Trung Quốc.
Thêm vào đó, mức độ hội nhập kinh tế cao của Việt Nam là điều đáng chú ý. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh tế, thương mại với khoảng 224 đối tác đến từ nhiều quốc gia và khu vực trên toàn thế giới.
“Điều này tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam mở rộng sự hiện diện trên thị trường. Việt Nam đồng thời sở hữu lực lượng lao động dồi dào, bao gồm lực lượng lao động có tay nghề cao kèm chi phí lao động cạnh tranh. Đáng chú ý, Chính phủ trong thời gian qua đã đưa ra các ưu đãi về thuế và chiến lược năng lượng sạch để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tạo thêm hấp lực đầu tư tại Việt Nam trong tương quan với các thị trường lân cận”, ông John chia sẻ thêm.
SẼ CÒN KHÓ KHĂN PHẢI ĐỐI MẶT
Nhu cầu ghi nhận từ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử và năng lượng mặt trời là rất lớn. Ông John Campbell nhận định, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các đơn vị sản xuất, nhiều chủ đầu tư tại Việt Nam đang rốt ráo nâng cao chất lượng xây dựng khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn của mình.
Các khu công nghiệp trên toàn quốc có tỷ lệ lấp đầy cao trên 80%, trong đó tỷ lệ lấp đầy ở các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 83% và 91% ở các tỉnh trọng điểm phía Nam. Các nhà xưởng và nhà kho xây sẵn cũng ghi nhận tỷ lệ lấp đầy ở mức 83% trên cả nước.
Do đó, việc tìm kiếm mặt bằng trống và phù hợp là một thách thức với các doanh nghiệp sản xuất, nếu họ không nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia hiểu thị trường và một đội ngũ các chủ đầu tư với quy trình hỗ trợ rõ ràng.
Nhận xét về triển vọng của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, ông John Campbell đánh giá, bối cảnh thị trường công nghiệp đang thay đổi với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư hơn.
Khi ngành sản xuất và hậu cần phát triển, các sản phẩm ngày càng đa dạng như nhà máy xây sẵn, nhà kho, cơ sở đa tầng, cơ sở kết hợp, tòa nhà được kiểm soát nhiệt độ và xây dựng phù hợp nhu cầu.
Chỉ trong 5 năm, người thuê đất đã có nhiều lựa chọn hơn và không còn bị ràng buộc với thời hạn thuê đất 50 năm như thông lệ. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà đầu tư, với việc nhiều dự án xây sẵn được tung ra thị trường ở các tỉnh trọng điểm."
Ông John cũng chia sẻ về các giải pháp để thu hút các doanh nghiệp tốt nhất, các khu công nghiệp và nhà phát triển bất động sản xây sẵn nên tập trung vào các dịch vụ giá trị gia tăng cao và các ưu đãi ngoài giá thuê. Ví dụ như dịch vụ gia nhập thị trường, hỗ trợ nhân sự và pháp lý, dịch vụ quản lý, sáng kiến bền vững và làm việc với các cơ quan bất động sản công nghiệp chuyên nghiệp.
“Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động của Việt Nam để nâng cao năng suất và hiệu quả. Đồng thời thời thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng cường chuỗi cung ứng, đơn giản hóa thủ tục đầu tư và sử dụng đất, cũng như áp dụng số hóa đều là những lĩnh vực trọng tâm của ngành công nghiệp Việt Nam”, ông John nêu.
Tuy nhiên, ông John Campbell cũng chỉ ra một số thách thức nhất định của bất động sản khu công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ nhất, chất lượng đảm bảo thông suốt của tất cả cơ sở hạ tầng giao thông ở Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Mặc dù cơ sở hạ tầng giao thông vận tải đang mở rộng nhanh chóng nhưng sự phát triển vẫn chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng kinh tế và xã hội. Sự tăng trưởng nhanh chóng về dân số đô thị và vận tải hàng hóa là động lực chính cho nhu cầu cơ sở hạ tầng, trong khi năng lực của cảng và cảng biển chưa phát huy hết tiềm năng.
Thứ hai, khi trọng tâm của Việt Nam chuyển sang thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và tăng năng suất để ngang bằng với các nước trong khu vực, nhu cầu về lao động có tay nghề sẽ tăng lên. Mặc dù chi phí lao động ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc nhưng năng suất cũng thấp hơn ở mức tương đương.
Thứ ba, các quy định mới về chữa cháy nghiêm ngặt được áp dụng vào cuối năm 2022, điều này đã gây trở ngại cho các nhà phát triển công nghiệp, nhà sản xuất và các công ty dịch vụ hậu cần. Các nhà đầu tư nước ngoài chủ lực đang gặp khó khăn trong việc có được các chứng chỉ phù hợp và một số dự án đã bị trì hoãn vì vấn đề này.