Theo chia sẻ của Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KIDO, thương vụ M&A nói trên được kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả lớn bởi với nguồn lực hiện tại của KIDO và các đơn vị thành viên, KDC sẽ tận dụng tối đa thị trường của DN hiện có và sẽ không mất nhiều chi phí cho việc bán hàng và quảng cáo. Điều đó có thể giúp cho lợi nhuận của DN được M&A cao hơn nhiều so với trước đây.
Cho đến nay, sau khi bán đi mảng bánh kẹo, KIDO đã dồn sức cho hoạt động M&A vào doanh nghiệp trong ngành thực phẩm. Đích ngắm của ban lãnh đạo KIDO cũng thể hiện rõ quan điểm kinh doanh của DN này. Đó là những DN có thị trường bền vững nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Điển hình là thương vụ mua Dầu ăn Tường An và Vocarimex trong khoảng 2 năm vừa qua.
Cả 2 DN cũng đang có sự tăng trưởng đáng kể khi được hợp nhất vào KIDO. Với dầu Tường An, năm 2017, dù doanh thu chỉ tăng trưởng 1 chữ số nhưng lợi nhuận năm 2017 của Tường An đã tăng trưởng gấp đôi từ 67 tỷ đồng năm 2016 lên 133 tỷ đồng khi Kido Group nắm quyền kiểm soát. Với Vocarimex, mặc dù tăng trưởng chậm hơn so với Tường An nhưng hiệu quả đang cải thiện rõ rệt từ mức lợi nhuận thuộc về công ty mẹ 315 tỷ đồng năm 2017, tăng so với 313 tỷ đồng năm 2016 và 277 tỷ đồng năm 2015 và 48 tỷ đồng năm 2014 trước khi KIDO tham gia vào ban điều hành.
Tổng giám đốc KIDO cho biết thêm, năm 2018 là năm đặc biệt của KDC khi Tập đoàn này kỷ niệm 25 năm thành lập và 3 năm sau thời khắc "chia tay" với ngành bánh kẹo. Đồng thời, 2018 cũng là năm mà ban lãnh đạo sẽ thực hiện đúng lời cam kết với cổ đông về chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận vượt thời điểm đỉnh cao khi còn mảng bánh kẹo.
Năm nay, Hội đồng quản trị KDC dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ kế hoạch doanh thu 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, tăng hơn 68% về doanh thu và hơn 40% so với thực hiện năm 2017.Trong đó, đóng góp từ TAC 5.600 tỷ đồng, VOC 4.400 tỷ đồng, KDF 1.800 tỷ đồng và liên doanh giữa KIDO với Dabaco Food khoảng 300 tỷ đồng.
Ngoài ra, KDC có thể ghi nhận thêm 2.500 tỷ đồng doanh thu từ các sản phẩm mới dự kiến sẽ được tung ra thị trường vào khoảng tháng 4 và tháng 5 năm nay. Trong đó, các sản phẩm gia vị như các loại nước chấm, nước sốt và mì gói từ liên doanh với một DN Thái đã sẵn sàng để tung ra thị trường trong tháng 4 tới.
Đồng thời, KIDO cũng dự kiến sẽ thâm nhập thị trường đồ uống được làm từ nhiên nhiên thông qua việc hợp tác liên doanh với đối tác đối tác từng liên doanh với Nhật và có đến 50 năm kinh nghiệm trong ngành tại Thái Lan.
Sau những thương vụ M&A và tung ra hàng loạt sản phẩm mới trong năm 2018, chiến lược "lấp đầy gian bếp Việt" của KIDO đang dần được hiện thực hoá. "Với lõi trung tâm là dầu ăn - sản phẩm mang lại nguồn thu vững chắc, cùng nền tảng tài chính mạnh, KIDO đang đi những bước đi vững vàng để trở thành doanh nghiệp tỷ đô tại VN trong vài năm tới", CEO tự tin nói.
Theo Trí thức trẻ