Niêm yết trên HNX từ năm 2015, cổ phiếu HKB của CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc từ lâu đã nổi tiếng với những nhịp sóng tăng giảm khó lường. Từng có thời điểm, HKB được “đẩy” lên gần 35.000 đồng/cp, nhưng sau đó lập tức lao dốc xuống dưới 1.000 đồng chỉ trong thời gian ngắn.
Những tháng gần đây khi HKB đang ở vùng giá khá thấp quanh ngưỡng 3.000 đồng, tức chỉ bằng một cốc trà đá và còn kém rất xa so với mức giá chào sàn 15.000 đồng hay vùng đỉnh 35.000 đồng thì ban lãnh đạo công ty đã đồng loạt đăng ký mua cổ phiếu.
Cụ thể, trong tháng 6 vừa qua, 2 thành viên HĐQT HKB là ông Trương Danh Hùng và ông Đỗ Thái Anh đã đăng ký mua tổng cộng 6 triệu cổ phiếu HKB, tương ứng 11,6% vốn điều lệ công ty. Thông tin này lập tức giúp cổ phiếu HKB có vài phiên tăng điểm lên sát vùng 5.000 đồng.
Tuy vậy, khi đến hết thời hạn đăng ký giao dịch, cả 2 thành viên HĐQT HKB vẫn không hề có động thái mua cổ phiếu như thông báo trước đó với nguyên nhân vỏn vẹn “lý do cá nhân”.
Động thái trên của ban lãnh đạo đã khiến không ít nhà đầu tư thất vọng và cổ phiếu HKB tiếp tục hành trình lao dốc về vùng giá 3.000 đồng.
Không chỉ 2 thành viên HĐQT “hứa suông”, mà ngay cả chủ tịch HĐQT, ông Dương Quang Lư cũng có hành động tương tự khi đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu vào cuối tháng 8 vừa qua nhưng không thực hiện. Lý do mà vị chủ tịch này đưa ra là “ưu tiên nguồn vốn cá nhân hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty”.
Lãnh đạo “nói thật nhiều, thất hứa thật nhiều”
Theo quy định, lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết (thành viên HĐQT, ban giám đốc công ty đại chúng…) phải thực hiện công bố thông tin khi giao dịch cổ phiếu của công ty mình theo quy định tại Điều 28- Thông tư 155/2015/TT-BTC - Công bố thông tin về giao dịch của người nội bộ của công ty đại chúng, người nội bộ của quỹ đại chúng và người có liên quan của người nội bộ.
Theo đó, lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết phải thực hiện báo cáo giao dịch cho UBCK, Sở GDCK, tổ chức niêm yết trước khi thực hiện giao dịch (tối thiểu 3 ngày làm việc trước ngày giao dịch dự kiến) và sau khi hoàn tất giao dịch (trong vòng 3 ngày làm việc kể từ khi hoàn tất giao dịch).
Thông tin cần công bố trước khi thực hiện giao dịch chỉ bao gồm các thông tin: Số lượng cổ phiếu dự kiến giao dịch, phương thức, mục đích thực hiện giao dịch; không có quy định về việc công bố thông tin khoảng giá đặt mua dự kiến.
Do đó, việc lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký mua vào cổ phiếu của công ty, nhưng cuối cùng không mua hoặc chỉ mua được một phần nhỏ là không vi phạm quy định của pháp luật. Thông thường, lý do mà họ đưa ra khá vu vơ “mức giá không phù hợp”.
Mặc dù việc giải trình, công bố thông tin giao dịch một cách không rõ ràng không vi phạm về luật, nhưng điều này thực tế sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh doanh nghiệp cũng như ban lãnh đạo công ty.
Đối với HKB, việc ban lãnh đạo liên tục “nói thật nhiều, thất hứa thật nhiều” mua cổ phiếu càng làm xấu đi hình ảnh của họ trong con mắt nhà đầu tư. Trước đó, giai đoạn cuối tháng 9, đầu tháng 10/2016, một số thành viên trong ban lãnh đạo HKB không biết do may mắn hay không đã kịp “thoát hàng” trước khi cổ phiếu công ty lao dốc.
Kết quả kinh doanh bết bát
Trong 6 tháng đầu năm 2017, HKB có kết quả kinh doanh khá bết bát khi doanh thu giảm gần 70% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 103 tỷ đồng và lỗ ròng 18 tỷ đồng. Với tình hình kinh doanh thua lỗ, HKB chỉ còn đúng 1 tỷ đồng tiền mặt và không còn đồng nào trong tài khoản tiền gởi ngân hàng.
Tại thời điểm cuối quý 2/2017, HKB có giá trị nguyên vật liệu hạt tiêu tồn kho trên sổ kế toán là 127 tấn, tương ứng số tiền hơn 19 tỷ đồng (đơn giá bình quân 151.063 đồng/kg). Trong khi đó, giá hạt tiêu tham khảo trên thị trường tại thời điểm 30/06 ghi nhận mức cao nhất là 78.000 đồng/kg.
Kiểm toán cho rằng, ước tính giá trị thuần của nguyên vật liệu hạt tiêu tồn kho có thể thực hiện thấp hơn nhiều so với giá trị ghi sổ đang phản ánh trên báo cáo tài chính của công ty tại ngày 30/06/2017.
Đối với các khoản phải thu, kiểm toán viên lưu ý rằng, trong tổng số công nợ phải thu ngắn hạn của HKB thì có hơn 24,3 tỷ đồng là nợ quá hạn thanh toán (chiếm tỷ lệ 27,8%). Công ty hiện đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 3,3 tỷ đồng. Song, HKB chưa thực hiện theo dõi phân tích tuổi nợ để trích lập dự phòng cho phù hợp.
Chưa hết, trong báo cáo kiểm toán cũng nêu một sự kiện khá bất thường với khoản đầu tư tài chính dài hạn của HKB. Đó là vào ngày 11/03/2017, HKB và Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tân Cường ký hợp đồng góp vốn bằng tài sản là "dây chuyền đánh bóng gạo xuất khẩu". Nguyên giá tài sản trên sổ kế toán là 4.4 tỷ đồng, hao mòn lũy kế tại 31/03/2017 hơn 414 triệu đồng, giá trị còn lại gần 4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hai bên đã thống nhất định giá lại tài sản góp vốn là 28 tỷ đồng, chênh lệch giữa giá trị định giá với giá trị còn lại là hơn 24 tỷ đồng và được HKB ghi nhận vào thu nhập khác. Nhờ khoản thu nhập khác này, HKB đã giảm số lỗ thuần hơn 40 tỷ đồng trong nửa đầu năm xuống mức lỗ ròng 18 tỷ đồng.
Theo Minh Anh/ Trí thức trẻ
>> Sau soát xét quý 2/2017 HKB lỗ ròng 18 tỷ đồng