Theo đó, KSB chi hơn 25 tỷ đồng để mua lại 30% cổ phần của Công ty CP Phú Nam Sơn, đơn vị sở hữu mỏ đá Gò Trường tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Với trữ lượng lên đến 10 triệu khối đá nguyên khối, mỏ Gò Trường kỳ vọng mang về mỗi năm trên 150 tỷ đồng. Bên cạnh đó, KSB cũng tiếp tục chi gần 14 tỷ đồng để sở hữu 70% mỏ Bãi Giang tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An với trữ lượng khai thác lên đến 5 triệu khối đá nguyên khối và kì vọng mang về doanh thu khoảng trên 100 tỷ đồng mỗi năm.
“Chúng tôi quyết định đầu tư vào hai mỏ này nằm trong chiến lược cốt lõi của công ty là trở thành công ty dẫn đầu về ngành khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng. Đồng thời, đây là hai mỏ đá chiến lược, có đầu ra rõ ràng và kì vọng mang lại doanh thu cao cho KSB so với tổng mức đầu tư”, đại diện KSB cho biết.
Ngoài ra, theo nguồn tin của chúng tôi, KSB đang thực hiện việc đánh giá lại trữ lượng và rà soát pháp lý các mỏ đá tại khu vực Tân Cảng (Đồng Nai) và Bà Rịa Vũng Tàu. Động thái này cho thấy KSB tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực khai thác khoáng sản trong năm 2018.
Về kết quả kinh doanh năm 2017 do HĐQT KSB tiết lộ mới đây cho thấy doanh thu đạt 1.070 tỷ đồng tăng 24,7% so với năm 2016. Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt 342 tỷ đồng tăng 32,7% so với năm 2016.
"Sở dĩ KSB đạt được doanh thu và lợi nhuận ấn tượng đến từ sự nỗ lực của cán bộ công nhân viên của công ty. Bên cạnh đó, công ty đã quản trị chi phí tốt hơn, đồng thời, tăng hiệu quả trong việc sản xuất và kinh doanh”, đại diện KSB nói thêm.
Thông tin về việc khả năng được cấp mới việc khai thác xuống sâu đến cote - 150m của cụm mỏ Tân Đông Hiệp, theo tìm hiểu của phóng viên tại văn bản số 5696/UBND-KTN của UBND tỉnh Bình Dương được ký bởi Chủ tịch Trần Thanh Liêm thì UBND tỉnh thống nhất chủ trương giao cho 4 công ty tại cụm mỏ gồm: Công ty CP Xây dựng và Khoáng sản Bình Dương, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 3 tháng 2, Công ty CP Xây dựng Trung Thành và Công ty CP Xây dựng Bình Dương được phép thăm dò và khai thác xuống sâu trong khi chờ điều chỉnh quy hoạch để cấp phép mới. Đồng thời, giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát quá trình thực hiện tuân thủ các quy định của pháp luật.
Theo nguồn tin riêng của chúng tôi thực hiện chỉ đạo của thường trực tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Dương đã nhận nhiệm vụ lấy ý kiến của người dân xung quanh cụm mỏ về việc có đồng ý để cụm mỏ Tân Đông Hiệp tiếp tục được khai thác hay không. Kết quả cho thấy tỷ lệ ủng hộ của người dân là rất cao lên đến 92%.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, ông Hồ Văn Quan, Trưởng Khu phố Tân An, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương nói: “Phần lớn người dân đồng tình ủng hộ việc cụm mỏ được tiếp tục khai thác. Bởi vì, cho dù có những ảnh hưởng ít nhiều do tác động từ hoạt động khái thác nhưng người dân ghi nhận những sự hỗ trợ tích cực từ ban quản lý cụm mỏ cả về tinh thần lẫn vật chất”. Cũng theo ông Quan, hàng trăm nhân công được giải quyết công ăn việc làm từ việc khai thác của cụm mỏ. Và công ty ngày càng cải tiến công nghệ khai thác để mang lại sự an toàn và giảm thiểu tác động của môi trường.
Được biết, năm 2017, KSB tiếp tục đầu tư mạnh vào một lĩnh vực quan trọng đó là phát triển hệ sinh thái khu công nghiệp. Theo đó, KSB chi 300 tỷ đồng để thành lập Công ty TNHH MTV Phát triển Khu công nghiệp KSB. Với việc thành lập công ty chuyên về phát triển khu công nghiệp, KSB đang hướng tới mục tiêu tăng thêm doanh thu và lợi nhuận từ mảng kinh doanh này. Theo ông Ngô Trọng Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Phát triển Khu công nghiệp KSB, trước mắt Công ty sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng và cho thuê khu công nghiệp Đất Cuốc, đồng thời đang đàm phán mua lại một khu công nghiệp có tiếng ở TP. Hồ Chí Minh.
“Chúng tôi sẽ triển khai đầu tư theo hướng “hệ sinh thái khu công nghiệp”, nghĩa là ngoài nơi làm việc, còn cung cấp đầy đủ các điều kiện về nhà ở, các dịch vụ hỗ trợ như tài chính, dịch vụ vận chuyển, y tế, giáo dục, văn hóa, giải trí, tuyển dụng và đào tạo lao động cho các doanh nghiệp…”, Ông Nghĩa nói thêm.