Không chỉ để tôn vinh, mà quan trọng hơn là để kế thừa tinh thần dựng nước và giữ nước của lớp lớp cha ông.
Vối gã nghệ sỹ làng Kù Kao Khải, khi lịch sử chắp nên đôi cánh cho linh cảm nghệ thuật thì bản thân nghệ sĩ chính là “kẻ khổ sai”, gánh trên vai trách nhiệm tạo tác linh cảm ấy thành những hình hài trâu vua để trả “nợ quê hương”.
Triều Đinh và sứ mệnh lịch sử huy hoàng
Những dân tộc đã trải qua chiến tranh là những dân tộc trân quý hòa bình, bởi rất nhiều máu đã chảy và nước mắt đã rơi. Thế nên, với một đất nước đã trải qua vô số cuộc xâm lăng như Việt Nam, sự thiết lập vương triều nhà Đinh đặt dấu chấm hết 1.000 năm Bắc thuộc là những trang sử vàng son bậc nhất.
Lịch sử nên được tha thứ nhưng không bao giờ nên bị lãng quên. Một thiên niên kỷ đằng đẵng đau thương của dân tộc dưới ách đô hộ của quân xâm lược phương Bắc càng không nên bị lãng quên. Hãy xem: không một thế kỷ nào trong hơn 1.000 năm Bắc thuộc, sử sách không ghi dấu những cuộc đấu tranh bền bỉ của dân ta. Từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Bà Triệu cho đến Lý Bí, Mai Thúc Loan; từ đấng quân tử mày râu đến nữ trung hào kiệt; lớp tiền nhân ngã xuống, lớp hậu bối lại tiếp tục rũ bùn đứng lên. Phương Bắc muốn dạy cho Âu Lạc một bài học về sự khuất phục, nhưng cha ông ta đã dạy lại chúng hai từ “yêu nước”. Nền văn minh Hoa Hạ rực rỡ cuối cùng đã thất bại trong việc đồng hóa và lấn át nền văn minh“lũy tre làng” của người Âu Lạc.
Năm 938, Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, đánh cho giặc không kịp trở tay, tướng giặc là Hoằng Tháo tử trận. Dân tộc ta đứng trước bước chuyển mình lớn, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc, nối lại nền quốc thống. Đáng tiếc, Ngô Quyền vừa xưng vương đã qua đời năm 47 tuổi, để lại cục diện 12 sứ quân loạn lạc, chia rẽ. Chính trong thế cục rối ren này, Đinh Bộ Lĩnh nổi lên như một hào kiệt toàn tài, gây dựng thanh thế mạnh mẽ. Ông lần lượt dẹp tan 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế, lập nên quốc gia có niên hiệu Đại Cồ Việt.
Lục tìm trong sử sách, người ta còn tìm thấy nhiều ghi chép về Đinh Tiên Hoàng. Tương truyền, từ thuở ấu thơ chơi cờ lau tập trận ở vùng Hoa Lư, cậu bé Đinh Bộ Lĩnh đã sớm được đám trẻ chăn trâu tôn là Vương, thống lĩnh ba quân. Mỗi khi thắng trận, đám trẻ lấy tay làm kiệu, lấy hoa lau làm cờ, khiêng “Vương” reo hò rất khí thế. Lớn lên, vị vua chăn trâu lập nên cơ đồ, vẫn chọn quê hương Hoa Lư làm nơi đặt đô.
Sử cũ còn ghi: “Mậu Thìn năm thứ 1 [968]. Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời Kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế”. Triều đại nhà Đinh tuy chỉ kéo dài đúng 12 năm nhưng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử huy hoàng của nó: đặt dấu chấm cuối cùng kết thúc ách đô hộ 1.000 năm của phương Bắc, dựng nên nền độc lập vững bền.
Thế nên, với người dân cố đô Hoa Lư, trâu không chỉ là “đầu cơ nghiệp”, mà còn gắn liền với sự hình thành một triều đại. Sự tích vua chăn trâu, “trâu vua” cũng vì thế mà lưu truyền mãi đến ngày nay.
Chừng nào còn không gian và thời gian, chừng ấy còn lịch sử. Chừng nào còn lịch sử, chừng ấy ta còn ghi nhớ những triều đại gây dựng cơ đồ, những thệ hệ cha ông đã phải trả giá cho hoà bình và hìnht hành đất nước của ngày hôm nay.
Món "nợ quê hương" phải trả
Những thế hệ sau luôn có các cách khác nhau để gìn giữ, tôn vinh trang sử huy hoàng ấy. Dù rằng triều Đinh đã lụi tàn cả ngàn năm nay và lâu đài thành quách Hoa Lư đã mất dạng trong dòng chảy thời gian miên viễn. Ví như gần đây, một người con của đất Ninh Bình, gã“nghệ sĩ làng”Kù Kao Khải vừa ra mắt bộ 12 tác phẩm trâu vua.
Đàn trâu vua của Kù Kao Khải vừa tròn 12 con. Khéo quá, triều Đinh cũng có duyên với con số 12: Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất giang sơn, nhà Đinh trị vì vừa tròn 12 năm rồi khép lại.
Mỗi trâu vua của Khải mang một hình dạng khác nhau, ý đồ nghệ thuật và cấu trúc tạo tác cũng không giống nhau. Khải tỉ mẩn lồng ghép vào đàn trâu của mình những chi tiết chạm trổ gỗ truyền thống, thấp thoáng dáng dấp cung đình nhà Đinh một thuở vàng son. Bớt đi những gam màu tăm tối thường dùng, Khải tăng cường độ sơn son thếp vàng, gia giảm thêm chi tiếttrắng-đen-lục-lamhàmẩncảm thức nghệ thuật đương đại. Bớt đi chút hiền hòa mộc mạc của trâu làng, Khải chăm chút cho trâu vua dáng hình bệ vệ và thần thái uy nghi như trước giờ xung trận. Những chi tiết gỗ đá thô ráp được gột cốt đắp hồn bởi sự xếp đặt phóng khoáng và duyên dáng đến lạ.
Nhưng đừng lầm rằng cái mẽ ngoài làm nên chất trâu vua của Khải. Hồn cốt triều Đinh ẩn giấu sâu hơn dăm ba nét đục đẽo cầu kỳ ấy. Trên những thân trâu vững chãi, Khải không tạo hình cậu bé mục đồng quen thuộc trong thơ cổ, mà khéo léo “xếp chỗ” cho tận... hai người. Hình dáng ấy gợi liên tưởng về một đội quân từ thuở cưỡi trâu tập trận cờ lau đến khi dẹp loạn bình thiên hạ. Đội quân ấy tạo nên Vạn Thắng Vương danh xưng nức cõi, cũng như đàn trâu ấy tạo nên một truyền kỳ nhà Đinh không lẫn với bất kỳ triều đại nào khác trong 4.000 năm lịch sử. Có lẽ vậy nên Khải gọi là “trâu vua”.
Không biết bao nhiêu ngày, gã nghệ sĩ làng vật lộn với những hình khối và màu sắc, chìm đắm trong thế giới của trâu vua. Khải khao khát kể lại sử quê bằng góc nhìn và mỹ cảm nghệ thuật của riêng mình. Khải say sưa với nỗi niềm trăn trở phục dựng lại dù chỉ đôi chút nét huy hoàng của một triều đại đã lùi vào dĩ vãng hàng nghìn năm bằng dáng hình nghệ thuật đương đại. Đôi lúc, Khải dừng lại suy ngẫm, quyết định để lại khoảng trống thân trâu phòng khi...cắm cờ lau tập trận. Ý nghĩ ấy đủ làm Khải tâm đắc và sung sướng mấy hôm liền.
Cánh nghệ sĩ họ luôn khao khát gìn giữ hoặc tôn vinh một điều gì đó tầm vóc thông qua tác phẩm nghệ thuật của mình: hoặc những triết lý và xúc cảm nhân sinh cao đẹp, hoặc những khoảnh khắc, hình hài vĩ đại của lịch sử. Còn với gã nghệ sĩ làng Kù Kao Khải, khi lịch sử chắp nên đôi cánh cho linh cảm nghệ thuật thì bản thân nghệ sĩ chính là “kẻ khổ sai”, gánh trên vai trách nhiệm tạo tác linh cảm ấy thành những hình hài trâu vua để trả “nợ quê hương”.
Chừng nào còn không gian và thời gian, chừng ấy còn lịch sử. Chừng nào còn lịch sử, chừng ấy ta còn ghi nhớ những triều đại gây dựng cơ đồ, những thế hệ cha ông đã trả giá cho hòa bình và hình hài đất nước của hôm nay.
Đầu năm Tân Sửu, ngồi ngắm trâu vua mà nhớ vua trâu, nhớ một triều đại. Ấy cũng là một sự phục dựng và tôn vinh lịch sử vậy.