Kỳ lân công nghệ VNG nối dài chuỗi 3 năm lỗ liên tiếp

Tính chung cả năm, VNG ghi nhận hơn 8.608 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 10% so với năm trước. Tuy vậy, chi phí hoạt động lớn và lỗ thêm trong các công ty liên kết đẩy doanh nghiệp vào tình trạng lỗ sau thuế hơn 756 tỷ đồng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp kỳ lân công nghệ VNG báo lỗ...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Kỳ lân công nghệ VNG nối dài chuỗi 3 năm lỗ liên tiếp
Kỳ lân công nghệ VNG nối dài chuỗi 3 năm lỗ liên tiếp

Mới đây, Công ty Cổ phần VNG (mã chứng khoán: VNZ) đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 và cả năm 2023 với lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm 291 tỷ đồng.

Cụ thể, trong quý kinh doanh vừa qua, VNG mang về 2.177 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng mạnh 22% khiến lợi nhuận gộp quay đầu giảm 12% so với cùng kỳ, xuống còn 787 tỷ đồng.

Mặc dù các chi phí hoạt động chung đã tiết giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao so với lãi gộp, qua đó khiến VNG tiếp tục chịu lỗ sau thuế 291 tỷ đồng, song vẫn cải thiện hơn mức lỗ 766 tỷ đồng thời điểm quý 4/2022. Lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ gần 230 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 1/3 khoản lỗ cùng kỳ (lỗ 654 tỷ đồng).

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của VNG đạt 8.608 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm 2022. Xét về cơ cấu, phần lớn nguồn thu đến từ dịch vụ trò chơi trực tuyến với gần 6.500 tỷ đồng, đóng góp 75% doanh thu. Mảng dịch vụ giá trị gia tăng mang về 984 tỷ và quảng cáo trực tiếp đóng góp 917 tỷ đồng doanh thu.

Song, chi phí hoạt động lớn và lỗ thêm trong các công ty liên kết đẩy doanh nghiệp vào tình trạng lỗ sau thuế hơn 756 tỷ đồng, trong đó lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ 540 tỷ đồng.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp kỳ lân công nghệ VNG báo lỗ. Mặc dù khoản lỗ đã được thu hẹp một nửa so với năm 2022 nhưng vẫn không đủ để công ty hoàn thành mục tiêu giảm lỗ ròng về 378 tỷ đồng như cổ đông đã thông qua.

Mặc dù lỗ nặng liên tiếp nhưng nhờ có "của để dành" lớn nên công ty vẫn duy trì quy mô vốn chủ sở hữu gần dày dặn với 4.372 tỷ đồng, chiếm 45% tổng nguồn vốn. Trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối dù giảm mạnh so với đầu năm vẫn còn hơn 4.400 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của VNG tăng nhẹ 9% so với hồi đầu năm, leo lên mức 9.700 tỷ đồng. Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng tăng 29%, lên gần 4.000 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng giảm nhẹ, còn 544 tỷ đồng. Đầu tư tài chính dài hạn giảm 17%, còn 1.200 tỷ đồng, với dự phòng tổn thất tăng mạnh lên 70 tỷ đồng (đầu năm 2,4 tỷ đồng), là dự phòng cho các khoản đầu tư vào một số đơn vị khác.

Theo báo cáo tài chính riêng quý 4, hiện VNG đang đầu tư lớn nhất vào công ty con Zion - đơn vị sở hữu ZaloPay với tổng giá trị 4.839 tỷ đồng để nắm giữ 72,65% cổ phần (tăng 190 tỷ so với cuối quý 3/2023 và tăng hơn 400 tỷ so với đầu năm). VNG còn rót 898 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Dịch vụ dữ liệu Công nghệ thông tin Vi Na, cũng như hàng trăm tỷ đồng vào Công ty TNHH Phát triển phần mềm VTH, Công ty Cổ phần Dịch vụ mạng Vi Na, Công ty TNHH Verichains...

Một điểm đáng lưu ý khác là công ty công nghệ này đã giảm quy mô nhân sự đáng kể trong năm 2023, từ mức 3.885 người về còn 3.589 người, tức giảm 296 người.

Trên thị trường chứng khoán, với việc kết quả kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tiếp, cổ phiếu VNZ đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết. Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/2/2024, thị giá cổ phiếu của công ty công nghệ này đang dừng ở mức 589.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này cách khá xa vùng đỉnh lịch sử 1.400.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 2/2023. Theo đó, vốn hóa thị trường ước đạt khoảng 17.000 tỷ đồng.

anh-chup-man-hinh-2024-02-02-luc-183550-871.png
Thị giá cổ phiếu VNZ trong thời gian qua

Một thông tin đáng chú ý khác, theo một thông báo từ Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) mới đây, VNG Limited đã quyết định không tiến hành đợt chào bán ra công chúng ở thời điểm này và có kế hoạch nộp đơn đăng ký mới trong tương lai. Tuyên bố không cung cấp bất kỳ khung thời gian chính xác hoặc lý do rút lui chi tiết nào khác.

VNG có trụ sở chính tại TP.HCM, từ chối bình luận về hồ sơ với báo giới. Một phân tích của Tech in Asia chỉ ra rằng VNG đang gặp khó khăn với tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm trong bối cảnh nền kinh tế chung bị trì trệ.

Được coi là một trong những công ty kỳ lân công nghệ hứa hẹn nhất của Việt Nam, VNG đã nộp đơn xin IPO tại Mỹ vào tháng 8/2023, dự định chào bán gần 22 triệu cổ phiếu và huy động 150 triệu USD. Sau đó, theo Bloomberg News đưa tin, vào tháng 9 cùng năm công ty đã hoãn kế hoạch IPO cho đến khi nhu cầu thị trường được cải thiện.

Vào tháng 10/2023, CEO Lê Hồng Minh cho biết sự trì hoãn này là do nhà đầu tư chưa sẵn sàng cho đợt IPO.

Trên thực tế, VNG đã cân nhắc việc IPO ở Mỹ ít nhất là từ năm 2017 khi công ty ký kết biên bản ghi nhớ về việc niêm yết trên Nasdaq ở Mỹ. Tuy nhiên đến nay, kế hoạch này vẫn chưa có nhiều tiến triển.

Tiền thân là Vinagame, VNG được thành lập vào năm 2004 với tư cách là nhà phát hành trò chơi. Công ty đã phát triển và xuất bản các tựa game của riêng mình cũng như phiên bản địa phương cho các bản hit quốc tế và dần dần mở rộng sang nhiều dịch vụ khác như chia sẻ nhạc, phát video, nhắn tin và thanh toán di động.

Có thể bạn quan tâm