Cuối năm 2016, Bộ Công thương quyết định đưa 2 doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam là Sabeco (SAB) và Habeco (BHN) lên sàn niêm yết cùng với kế hoạch thoái vốn đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư.
Chỉ trong 9 phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu SAB đã tăng một mạch từ 110.000 đồng lên 225.000 đồng. Trong khi đó, BHN còn gây ấn tượng hơn khi tăng gần 4 lần từ mức giá chào sàn 39.000 đồng lên gần 145.000 đồng chỉ sau 8 phiên giao dịch trước khi “tạm nghỉ” một thời gian rồi tiếp tục leo lên mức giá hơn 225.000 đồng.
Tuy vậy, sau màn chào sàn ấn tượng, bộ đôi cổ phiếu ngành bia đã đồng loạt điều chỉnh sâu. Cổ phiếu BHN từ đỉnh cao hơn 225.000 đồng đã rơi một mạch về vùng giá quanh ngưỡng 75.000 đồng. Trong khi đó, mức độ điều chỉnh có phần nhẹ nhàng hơn khi cổ phiếu này chỉ lùi về quanh ngưỡng 190.000 đồng.
Việc cổ phiếu của 2 “đại gia” ngành bia Việt Nam đồng loạt điều chỉnh, đi ngược xu thế chung của TTCK Việt Nam từ đầu năm tới nay có nguyên nhân từ việc trước đó đã tăng quá “nóng”, vượt qua mức định giá trung bình của ngành bia trên thế giới. Bên cạnh đó, việc thoái vốn của Bộ Công thương tại Sabeco, Habeco gần như “bất động” trong nửa đầu năm 2017 cũng là yếu tố quan trọng khiến giới đầu tư không còn đặt quá nhiều kỳ vọng vào SAB, BHN.
Câu chuyện thoái vốn dần đến hồi kết, cổ phiếu SAB, BHN “dậy sóng”
Mới đây, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương, ông Bùi Trường Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ cho biết, dự kiến trong tháng 7 này các doanh nghiệp sẽ trình phương án thoái vốn lên Bộ.
Theo ông Thắng, Habeco sẽ có tờ trình thoái vốn lên Bộ Công Thương trong tuần tới và Sabeco có trước ngày 31/7 này. Dự kiến sau khi được phê duyệt sẽ thực hiện bán vốn ngay trong năm 2017.
Đón nhận thông tin này, cổ phiếu SAB và BHN đã đồng loạt tăng điểm trong những phiên giao dịch cuối tuần vừa qua, dù cho mức tăng là không quá mạnh. Tuy vậy, đây là điểm nhấn tích cực trong bối cảnh TTCK Việt Nam đang bước vào giai đoạn điều chỉnh.
Theo nhận định của CTCK HSC, đề án bán cổ phần nhà nước tại Habeco có khả năng được trình Thủ tướng ngay trong tuần sau và khả năng bán cổ phần cho Carlsberg có vẻ cao. Trong khi đó, hiện vẫn chưa rõ người mua tiềm năng của Sabeco và giá bán cũng là vấn đề được quan tâm nhiều.
Hiện tại, đại diện phần vốn Nhà nước là Bộ Công thương đang nắm giữ 89,59% cổ phần Sabeco và 82% vốn tại Habeco. Hai hãng bia này đang nắm giữ khoảng 65% thị phần bia Việt Nam và được hàng loạt các doanh nghiệp bia lớn trên thế giới “đánh tiếng” mua cổ phần.
Mới đây, San Miguel, tập đoàn bia lớn nhất tại Philippines cho biết đang tiến hành “định giá và có thể sẽ đề nghị mua lại” cổ phần Sabeco. Ngoài San Miguel còn có hàng loạt tên tuổi lớn cũng đang “xếp hàng” chờ mua cổ phần Sabeco như Heineken, Ab-Inbev, Singha, Thai Beverage, Asahi Group…
Trong khi đó, Carlsberg đang là cổ đông chiến lược, nắm giữ hơn 17% cổ phần tại Habeco và được quyền ưu tiên mua lại khi Nhà nước thoái vốn nhưng có lẽ vấn đề về giá sẽ là rào cản lớn nhất cho thương vụ này. Cách đây không lâu, đại diện Carlsberg cho rằng mức giá hợp lý của Habeco là 48.000 đồng/cp, thấp hơn đáng kể thị giá của cổ phiếu.
Theo Hoàng Anh/ Trí thức trẻ
>> Đẩy nhanh bán vốn Vinamilk, Sabeco, cổ phần hoá Vinataba