Lúa gạo vừa là nguồn lương thực quan trọng, vừa là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam. Những năm gần đây, ngành gạo đã có những bước phát triển vượt bậc và đạt được nhiều kết quả.
Trong năm 2023, hiện tượng thời tiết El Nino xuất hiện khiến cho nhiều nước phải đối mặt với nỗi lo an ninh lương thực. Điều này khiến cho nhu cầu dự trữ lương thực tăng cao. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.
Tin vui từ giá xuất khẩu
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn gạo, tương đương 2.057 tỷ USD, tăng 40,8% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, giá gạo xuất khẩu bình quân ước đạt 529 USD/tấn, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức giá gạo xuất khẩu cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Trong quý 1/2023, ngành gạo ghi nhận sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 ở cả các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng. Đặc biệt, trị giá xuất khẩu gạo sang EU ghi nhận tăng trưởng rất tốt ở nhiều thị trường nhờ xuất khẩu các sản phẩm gạo thơm, gạo phẩm chất chất lượng cao với giá trị gia tăng cao.
Điều này cho thấy, chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng gia tăng, đáp ứng được yêu cầu từ cả các thị trường khó tính, đồng thời cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Châu Á vẫn là thị trường "anh cả", tiếp đến là châu Phi, châu Âu và các thị trường truyền thống vẫn tăng trưởng tốt như Trung Quốc, Indonesia, Philippines.
Về sản phẩm, gạo trắng dẫn đầu với 53,7% tổng lượng xuất khẩu, rồi đến gạo thơm, gạo nếp, gạo tấm…
Nhìn chung, Việt Nam đang có một lợi thế to lớn đến từ yếu tố thị trường khi hoạt động xuất khẩu gạo diễn ra sôi nổi hơn nhờ nhu cầu tăng cao từ các thị trường chính.
Nhận định về thị trường xuất khẩu gạo thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam từng dự báo, những tháng cuối năm 2023, giá lương thực sẽ tiếp tục có những biến động do tình hình biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang… khiến các nước tăng cường dự trữ lương thực.
Kéo cổ phiếu ngành gạo "sáng bừng"
Đáng chú ý, đi ngược với bức tranh xuất khẩu rực rỡ trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp ngành gạo lại đều ghi nhận lợi nhuận suy giảm, thậm chí thua lỗ. Nguyên nhân được cho là đến từ việc chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng lớn.
Có thể kể đến, doanh thu quý 1/2023 của Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (PAN Group- mã chứng khoán: PAN) ghi nhận 2.531 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 40 tỷ đồng, giảm 48% so với kỳ trước.
Tương tự, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã chứng khoán: TAR) cũng ghi nhận doanh thu thuần giảm 6% so với cùng kỳ; Lợi nhuận ròng giảm mạnh 68%, còn gần 8,5 tỷ đồng. Trong khi đó, với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán: LTG), mặc dù doanh thu tăng 5% so với cùng kỳ, lên 2.450 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp vẫn vẫn lỗ hơn 81 tỷ đồng và là quý lỗ cao nhất trong vòng 7 năm qua của Lộc Trời.
Tuy nhiên, triển vọng ngành gạo Việt Nam vẫn được các chuyên gia đánh giá vô cùng tiềm năng khi nhu cầu từ các thị trường lớn đang tăng dần lên, từ đó tác động đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Cụ thể, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu thêm 6 triệu tấn gạo trong niên vụ 2022-2023 do hạn hán kéo dài. Tồn kho tại Philippines bị bào mòn khiến nước này phải gia tăng nhập khẩu gạo. USDA dự báo nước này tiếp tục phải nhập khẩu 2,8 triệu tấn cho niên vụ 2022-2023.
Tại Ấn Độ, diện tích gieo cấy tại nước này đang suy giảm do hạn hán. Thêm vào đó, Chính phủ cho biết Ấn Độ không có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và cắt giảm 20% thuế đối với gạo trắng do nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đang cố gắng kiềm chế giá trong nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia đã công bố kế hoạch nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo trong năm nay để bổ sung kho dự trữ quốc gia. Trong đó, 500.000 tấn sẽ được nhập khẩu sớm nhất có thể.
Tại châu Âu, thời tiết khô hạn đang khiến cây trồng héo úa và làm chậm hoạt động gieo trồng ở một số quốc gia sản xuất nông sản hàng đầu châu Âu.
Theo dự báo của USDA, tình hình thủy văn tại Việt Nam khá ổn định trong năm 2022 với mưa nhiều, và chuyển dần sang trung tính trong nửa đầu năm 2023, cho ra sản lượng ổn định. Dù khả năng xuất hiện El Nino tăng cao từ tháng 6 trở đi khiến nhiệt độ tăng cao, giảm lượng mưa, Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) vẫn dự báo sản lượng gạo Việt Nam vẫn đạt 29 triệu tấn, cao hơn con số 20 triệu tấn của Thái Lan.
Một yếu tố có tác động mạnh vào khoản lợi nhuận của các doanh nghiệp đó là nguồn vốn. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có đợt giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 xuống đến gần mức thấp nhất của thời kỳ Covid-19 vào tháng 10/2022. Với hành động này, kỳ vọng các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, giảm bớt được chi phí lãi vay.
Cũng theo đánh giá của VFS, dù kết quả kinh doanh quý 1 có suy giảm nhưng trong giai đoạn tới TAR sẽ được hưởng lợi từ giá gạo xuất khẩu tăng mạnh, khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ cải thiện doanh thu cho doanh nghiệp.
Còn đối với LTG, bên cạnh việc hưởng lợi từ thị trường Trung Quốc, việc ký kết hiệp định EV-FTA mở ra cơ hội cho LTG vào thị trường EU cũng sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện doanh thu trong giai đoạn tới. Ngoài ra, việc sáp nhập Công ty Cổ phần Lương thực Lộc Nhân giúp tăng công suất kỳ vọng mảng lương thực sẽ là động lực tăng trưởng chính cho LTG trong năm nay.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu LTG, TAR, PAN...cũng đều ghi nhận mức tăng trưởng trung bình hơn 30% kể từ đầu năm đến nay.